(TNO) Nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa văn hóa ứng xử vào chương trình giảng dạy tại các trường nghệ thuật là cần thiết. Vì điều đó có thể “vá” được những lỗ hổng văn hóa tồn tại ở một bộ phận sao Việt suốt thời gian qua.
Ca sĩ Tuấn Hưng nhận không ít "gạch đá" vì phát ngôn thiếu thận trọng - Ảnh: BTC Bài hát yêu thích
|
"Vá" lỗ hỏng văn hóa, bằng cách nào?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các trường nghệ thuật hiện nay (như các Trường CĐ Nghệ thuật, ĐH Sân khấu Điện ảnh, Nhạc viện…) vẫn chưa có những bộ môn dạy về văn hóa ứng xử cho sinh viên - những người đã, đang và sẽ có cơ hội trở thành người nổi tiếng (là ca sĩ, diễn viên...) trong tương lai. Có chăng chỉ là những góp ý, những mẩu chuyện nhỏ theo dạng chia sẻ kinh nghiệm của giảng viên bên lề những tiết dạy.
Chính vì thế, theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp đào tạo Kỹ năng sống TP.HCM, việc đưa văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo trong các trường nghệ thuật là việc nên làm ngay lúc này. Bởi điều này sẽ đem lại ý nghĩ rất lớn trong tương lai.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cho rằng: “Hát một nốt cũng cần phải học, diễn một ánh mắt cũng cần phải học thì tại sao cách sống, cách làm người lại không được học. Tôi thiết nghĩ phải đưa môn văn hóa ứng xử vào giảng dạy ở các trường nghệ thuật một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất có thể”.
Một buổi thi tuyển năng khiếu vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM - Ảnh: Mỹ Quyên
|
|
Trước nhiều lùm xùm về chuyện "văn hóa sao Việt" trong thời gian qua, bà Vân cho biết thêm: “Có thể trong thời gian tới, chúng tôi sẽ dạy lớp thể nghiệm về kỹ năng giao tiếp, mời các chuyên gia dạy sinh viên cách ứng xử với khán giả, nâng cao đạo đức nghệ sĩ, văn hóa ứng xử…”.
Trao đổi với Thanh Niên Online, nhiều giảng viên Trường Nhạc viện TP.HCM và ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM cũng nghĩ đến ý tưởng kiến nghị việc dạy kỹ năng ứng xử dành cho sinh viên.
Ca sĩ Yanbi, người từng vấp nhiều scandal và từng bị cho là "vô văn hóa", cho biết bản thân anh cũng cảm thấy buồn vì cách ứng xử của bản thân lúc xảy ra sự cố. Hiện tại nam ca sĩ này đang theo học tại một trường nghệ thuật tại Hà Nội. Chính anh cũng cho rằng nếu việc đưa văn hóa ứng xử thành một môn học trong trường nghệ thuật thì trong tương lai, hứa hẹn một showbiz đẹp hơn, không còn những kiểu hành xử vô văn hóa, ứng xử kiểu… “chợ búa”, “giang hồ”, phát ngôn vô lối nữa.
Có nên ban hành quy chế phát ngôn trong giới nghệ sĩ? Theo các chuyên gia tâm lý, người nổi tiếng có ảnh hưởng rất lớn đến khán giả, đặc biệt là giới trẻ bởi họ chính là thần tượng và là tấm gương mà giới trẻ thường dựa vào để học tập, bắt chước theo.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho biết: "Là người của công chúng, được cập nhật tin tức liên tục, nhất cử nhất động đều có thể trở thành những tin "nóng sốt" nên hành vi và lối sống của nghệ sĩ càng cần phải hết sức cẩn trọng. Tuy không hoàn toàn có một chuẩn mực chung nào đối với người nổi tiếng nhưng những "sao" Việt cống hiến bằng tài năng và ứng xử thông minh, có văn hóa vẫn luôn tạo được thiện cảm trong lòng công chúng. Và để có những điều đó thì cần được đầu tư và giáo dục về văn hóa ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật".
Còn PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, thì lưu ý rằng kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cần trở thành cung cách sống. "Người nổi tiếng cần ý thức về sự ảnh hưởng của mình đối với đám đông thay vì cứ vô tư ứng xử. Dù văn hóa không phải chỉ có được do việc học nhưng học để hoàn thiện mình là cần thiết", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói thêm.
Trước một số ý kiến cho rằng nên ban hành một quy chế phát ngôn cụ thể trong giới văn nghệ sĩ và có chế tài nhất định cho những ai vi phạm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cho rằng: "Công tâm mà nói thì việc làm này sẽ mang lại nhiều mệt mỏi cho giới nghệ sĩ nhưng tôi tán thành vì mỗi nghề nghiệp đều có những yêu cầu, đạo đức nghề nghiệp riêng. Và nghệ sĩ cũng vậy thôi. Không thể dùng hai chữ tự do cá nhân để ngụy biện cho những hành vi thiếu văn hóa. Mà tự do ở đây là người nghệ sĩ có quyền chọn lựa theo hoặc không theo lĩnh vực này. Nếu đã theo con đường này thì phải chấp nhận yêu cầu của nó".
MC Trấn Thành không đồng tình với việc ban hành quy chế phát ngôn riêng cho giới nghệ sĩ - Ảnh: Phạm Thế Danh
|
Tuy nhiên, các nghệ sĩ lại không mấy đồng tình với ý kiến này. MC Trấn Thành cho rằng: "Nếu nói đề xuất quy chế phát ngôn thì cần áp dụng cho mọi người trên toàn quốc. Lẽ nào người nổi tiếng phát ngôn phải khác người à? Họ cũng là con người. Đừng có bảo người nổi tiếng thì mới gây ảnh hưởng mà rất nhiều những đối tượng ngành nghề xã hội khác cũng có thể gây ảnh hưởng cho người khác. Đừng nghĩ nghệ sĩ khác thường để rồi đặt ra một cái luật. Nếu một người nổi tiếng, nghệ sĩ nào đó phát ngôn ngông cuồng, hoặc có bề mặt chưa văn hóa… thì chính họ tự ý thức được trách nhiệm và khán giả đánh giá và đón nhận. Còn việc đưa ra cái đề xuất quy chế phát ngôn hoặc luật nào đó là hơi bị phi lý".
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng đồng tình với MC Trấn Thành: "Nếu đề xuất quy chế phát ngôn riêng cho người nổi tiếng thì hơi quá. Họ cũng chỉ là một con người mà thôi. Nếu họ nói sai, nói bậy thì khán giả sẽ tự đánh giá".
MC Nguyên Khang thì cho rằng với những nghệ sĩ có phát ngôn không đúng mực, ban đầu có thể sẽ nhắc nhở, nếu tái diễn thì mới nên chế tài và xử phạt. "Tôi nghĩ nếu đề xuất như thế thì thật ra cũng tội cho nghệ sĩ vì ai mà chẳng có lỗi, ai mà chẳng làm sai, nhân vô thập toàn. Quan trọng là họ có rút kinh nghiệm và không để xảy ra những việc này nữa".
"Tất nhiên, quan điểm của tôi là không đồng ý việc người nổi tiếng ăn nói ứng xử không chuẩn mực. Trước khi phạt họ, hãy để họ tự sửa đổi. Khi chuyện gì mà nhiều quá đến mức không kiểm soát được, lúc đó hãy chế tài, có quy chế phát ngôn. Đừng vì một vài trường hợp xảy ra mà áp đặt cho số đông những nghệ sĩ thì như vậy có vẻ không công bằng với những người còn lại", Nguyên Khang nói thêm.
Bình luận (0)