Mỏi mắt tìm... xuân họa, xuân dược
Bức Đánh ghen và biến thể của nó trong dòng tranh Đông Hồ đã được đưa ra như một ví dụ gần với “xuân họa” (tranh vẽ cảnh quan hệ tình dục) vì trong tranh có hình ảnh người phụ nữ hớ hênh (hoặc bán khỏa thân). Tuy nhiên theo TS Phạm Văn Hưng (Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), đó vẫn chưa phải là “xuân họa” đúng nghĩa.
tin liên quan
10 cuốn sách truyền cảm hứng sáng tạo cho giới trẻCởi bỏ ám ảnh gian dâm
Cuốn Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỷ X - XIX có liệt kê nhiều điều luật chống gian dâm. Những điều luật này được hoàn thiện dần theo thời gian và đến triều Nguyễn trở nên lớp lang, bề thế, tỉ mỉ hơn rất nhiều.
Cuốn sách cũng ghi nhận, sự khác nhau trong đời sống tính dục giữa tầng lớp quan lại và người bình dân là một sự thực. Tầng lớp quan lại, do điều kiện vật chất, tinh thần, học vấn “no đủ” hơn người bình dân nên đời sống tính dục của họ cũng có điều kiện để trở nên phức tạp, đa dạng, phong phú hơn. Tri thức ngoại lai về tình dục cũng giúp “kịch bản tình dục” của họ khác hẳn phần còn lại của xã hội. Dòng truyện Nôm bác học do đó cũng “đậm đà yếu tố sắc dục” hơn dòng truyện Nôm bình dân. Sự thiếu liên kết trong mạng lưới tri thức về kỹ xảo phòng the đó khiến “kịch bản tình dục” của các cá nhân trong xã hội nói chung trở nên đơn điệu và giản dị.
Ông Hưng cho rằng giai đoạn thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX có lẽ là thời điểm “cởi mở” nhất của người Việt khi nói và viết (chủ yếu là “viết”) về đề tài tình dục. Sở dĩ có thời kỳ “thịnh đạt” này bởi đạo lý Nho gia khi ấy đã trở nên mất giá, học hành thi cử không còn được chuẩn mực như trước, người ta chủ động đi tìm những điều hấp dẫn hơn ngoài kinh điển. Vừa hay, văn học đô thị Trung Quốc thời Minh - Thanh lúc đó với những “dâm thư, lãng khúc” qua nhiều con đường đã du nhập vào tạo nên một sự cộng hưởng đáng kể trong lòng xã hội VN khi ấy.
“Những truyện Song tinh, Hoa tiên, Phan Trần, Hoa viên kỳ ngộ, Truyện Kiều..., những tác phẩm bị nhà nho coi là “dâm thư”, “tiếng dâm”, chủ yếu ra đời trong giai đoạn này”, ông Hưng nói và cho biết thêm: “Rất trùng hợp, chính những tác phẩm ấy (đặc biệt là các truyện thơ Nôm) đã góp phần tạo nên một thời kỳ rực rỡ của văn học dân tộc, hình thành trào lưu hướng tới giải phóng con người, đề cao những khát khao hạnh phúc đời thường và trần tục, một điều hoàn toàn khác so với các giai đoạn văn học trước đó”.
Bình luận (0)