Văn hóa ứng xử là quan trọng

18/04/2021 06:33 GMT+7

Liên quan vụ người đi lạc và cách hành xử gây bức xúc của an ninh sân bay , nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần cư xử khéo léo thì mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp, chứ không ồn ào như những ngày qua.

Như Thanh Niên thông tin, ngày 14.4, một người đàn ông chạy xe máy chở con ra sân bay Đà Nẵng để vào TP.HCM thi Olympic nhưng chạy nhầm vào đường cấm, bị lực lượng an ninh “chặn đầu xe, giựt lấy chìa khóa” khiến cha con không kịp chào nhau... gây bức xúc dư luận.

Cuộc sống thân thiện tình cảm là cách ứng xử. Nếu nói về lý còn cái tình.    

Dang Hung

Ông Hà Hữu Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm an ninh hàng không Đà Nẵng, cho biết khi tiếp nhận phản ánh của người dân, đơn vị đã làm việc với nhân viên an ninh tên N.V.T, đồng thời trích xuất camera an ninh để làm rõ sự việc. Theo ông Hoàng, anh T. tường trình khi phát hiện có xe máy vào đường cấm đã tiếp cận và người đàn ông điều khiển xe máy lúc này đã cho người ngồi sau xuống xe, có dấu hiệu quay đầu xe đi ngược chiều nên anh T. buộc phải chặn đầu xe nhằm tránh xảy ra sự cố. Anh T. khẳng định chỉ dùng tay chắn đầu xe và không rút chìa khóa (chìa khóa vẫn ở trong tay hành khách). Sau khi giải thích các quy định, hành khách đã nhận thấy vi phạm và cho biết do không biết đường, đồng thời vội chở con gái đi cho kịp chuyến bay. Tuy nhiên, anh T. cũng xin rút kinh nghiệm cần tinh tế và linh hoạt hơn trong công tác xử lý vi phạm.

Lực lượng an ninh sân bay nhắc nhở, hướng dẫn người đàn ông ra khỏi đường cấm

Ảnh: An ninh Hàng không cung cấp

Tranh cãi trái chiều

Phản hồi thông tin trên, Thanh Niên nhận được nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc (BĐ). “Sai là do người ta không biết chứ ai lại cố ý đi như vậy. Vụ việc cũng không nghiêm trọng sao lại phải làm căng lên và đối xử với nhau như vậy! Phân biệt và nguyên tắc, làm mất đi tình người”, BĐ Tran Lam nêu quan điểm.

Các cảng hàng không cần đào tạo thêm cho các nhân sự này kỹ năng mềm, để phân biệt đâu là đối tượng cần chú ý, cố ý vi phạm, đâu là người không hiểu/chưa hiểu, chưa biết các quy định tại sân bay để có cách ứng xử cho phù hợp hơn. Tránh gây mất hình ảnh các sân bay trong mắt du khách.    

Tống Thiên

Tương tự, BĐ Lê Minh ý kiến: “Bản thân tôi khi vào những chỗ lạ cũng có khi bối rối nhầm đường. Có lẽ do nhiều anh an ninh, bảo vệ đã quen với trách nhiệm của mình nên ra oai một chút cho oách”.
“Sao lại không bố trí nhân viên hướng dẫn ngay đầu lối lên? Có phải ai cũng di chuyển bằng máy bay thường xuyên, mà biết hết các quy định của sân bay”, BĐ Duy Nhất bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng an ninh hàng không sân bay là rất quan trọng, vì vậy mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ đúng khi ra vào sân bay. “Biển báo thì không nhìn, an ninh sân bay nghiêm ngặt, đường cấm xe máy mà mình ông phi lên ai biết ông đi lạc hay định làm gì khác...”, BĐ Phong Vu ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Xuan Hoa cho rằng: “Tôi thấy anh an ninh làm như vậy không có gì là sai cả, còn mọi việc đúng sai giải quyết sau”.
BĐ Kim Trần thì nhẹ nhàng: “Các bạn bức xúc lực lượng an ninh nhưng các bạn cũng nên thông cảm. Họ phải hành xử dứt khoát kịp thời ngăn chặn, chứ lỡ có việc gì thì các bạn lại trách mắng họ vô tích sự khiến mất an toàn cho ngàn người”.

Cần cư xử tế nhị

Nhiều ý kiến cho rằng vụ việc trên xảy ra là điều không ai mong muốn, tuy nhiên trong vấn đề này nói riêng hay bất cứ sự vụ gì trong cuộc sống nói chung, chỉ cần cư xử với nhau nhẹ nhàng, khéo léo thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. “Trong cuộc sống, có khi một lời nhắc nhở, hướng dẫn sẽ làm cho người vi phạm cảm thấy ấm lòng và là một cách sửa sai hiệu quả nhất. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông”, BĐ Van Tuc ý kiến.

Đi xe máy vào đường cấm của sân bay là hoàn toàn sai rồi, không vì bất cứ lý do gì mà vin vào để vi phạm vì an ninh và an toàn cho rất nhiều người khác. Tất nhiên nhân viên an ninh nên xử lý tế nhị hơn thì tốt.    

Nguyễn Hiệu

Tương tự, BĐ Gia Hao cho rằng: “Người cha không biết, cũng muốn tạm biệt con, cũng sợ con trễ chuyến bay nên mới như thế. Nhân viên an ninh làm theo nhiệm vụ cũng đúng, nhưng phải cư xử tế nhị hợp tình một tí là được”.
“An ninh sân bay là phải nghiêm ngặt, nhưng làm phải trình tự, trước phải có hướng dẫn, rồi mới đến bước hành động, xử lý. Quan trọng vẫn là văn hóa ứng xử!”, BĐ Văn Nhàn ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.