Thế, “cơm búng” là gì ?
Là “cơm nhai nhuyễn để mớm cho trẻ em khi chưa mọc răng hoặc chưa biết nhai” - Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích. Thiết nghĩ, búng còn dùng để chỉ định lượng, chứ không chỉ đề cập đến mỗi tính chất của một vật nào đó. Định lượng của búng trong cơm búng cụ thể ra làm sao? Ông Huình Tịnh Của cho biết: “Cơm nhai một miếng cho vừa miệng con nít”.
Có điều khi dùng để chỉ chất lỏng, nếu không dùng từ búng, thí dụ “một búng nước”, ta hoàn toàn có thể đổi qua “một ngụm nước”, tức sức chứa trong miệng đang ngậm lại. Rồi khi cầm cái gì đó, “một búng muối” chẳng hạn, búng lại có thể đổi qua “một nhúm muối”. Khi lấy ngón trỏ và ngón tay cầm “một búng rau”, ta có thể đổi qua “một nạm rau”... Các từ búng/ngụm/nhúm/nạm xuất hiện tùy ngữ cảnh, đều chỉ số lượng ít ỏi, không nhiều. Riêng búng trong cơm búng lại chỉ miếng cơm đã nhai (ở trong miệng), vẫn biết là thế nhưng khi miệng phùng to do ngậm đầy cơm hoặc như đang ngậm cái gì đó không mở ra được thì lại gọi “bung búng”.
Đại Nam quấc âm tự vị (1895) có giải thích từ “búng” |
tư liệu |
Với từ “bung búng”, ta có thể tìm thấy trong một đoạn văn cảm động, mà thời bé xíu, khoảng năm học cấp hai, tôi đã từng học thuộc lòng, sau này mới biết tác giả là Tô Hoài. Làm sao có thể quên? Quên sao được lúc bà cụ mù lòa mớm cơm cho cháu, nhà văn viết thật khéo, linh động, tưởng chừng như thấy rõ mồn một từng động tác: “Bà lão bỏ bát cơm xuống vỗ tay, làm hiệu cho thằng bé chạy lại. Bà vội quờ tay ra, thì mó thấy nó đang ngồi chồm chỗm ở hai bên cạnh. Bà xóc nó lên, móc ngón tay vào trong miệng nó. Miệng nó còn đầy ứ những cơm nhẽo. Nó không nuốt mà đầy phè cả sang hai bên mép. Bà lẩm bẩm: “Ngậm bung búng thế này, no rồi đây”. Bà nuốt ực miếng cơm đang nhai trong miệng. Xong, bà cúi xuống, chúm cheo mồm lại, hút đánh chụt một cái thực mạnh vào mũi thằng bé. Bao nhiêu dãi nhớt nhoe nhoét ở mũi thằng Kê tuột vào cả mồm bà Vạng; bà nhổ toẹt xuống đất. Con mực chạy đến liếm ngồm ngồm. Thằng bé bị bà nó liếm rát cả mũi, khóc tru lên. Nhưng lại tru lên một tiếng như tiếng còi, rồi lại nín ngay”.
Văn chương là điều gì kỳ diệu quá đỗi. Chỉ vài từ, vài chữ nhưng rồi lại là một ám ảnh không nguôi. Ca ngợi tình yêu thương của bà dành cho cháu, chỉ qua chi tiết này, đắt giá và thừa sức khái quát, phải không nào? Thật hạnh phúc, may mắn cho bất kỳ đứa trẻ nào thuở trọc lóc bình vôi, nước mũi chảy dãi lòng thòng cũng được như thằng Kê.
Vâng, từ “cơm búng” đến “miệng ngậm cơm bung búng”, ta đã thấy rõ nghĩa của nó. Tuy nhiên búng còn nhiều hàm nghĩa khác, do không hiểu nên đã dẫn đến một số địa danh từ “búng” nhảy sang “bún”. Nhà nghiên cứu Lê Công Lý, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.HCM, liệt kê: “Chẳng hạn, rạch Búng Bò bị viết sai thành rạch Bún Bò (H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Búng Xáng bị viết sai thành Bún Xáng (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng có chỗ phình rộng ra gọi là búng, nên chợ gần đó cũng gọi chợ Búng, nhưng có người không hiểu nên gọi/viết chợ Bún” (Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia - 2016, tr.1145).
Búng trong những trường hợp này, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Chỗ nước sâu làm ra một vùng”, vẫn còn khó hiểu chăng? Ta hãy tra cứu thêm Phương ngữ Nam Bộ (2015) của Bùi Thanh Kiên: Búng là “Chỗ sâu, nước chảy xoáy mạnh trong sông, nguy hiểm cho người hay tàu thuyền”. Nhà nghiên cứu Lê Công Lý còn cho rằng: “Búng chính là phát âm của bung/bụng, là chỗ sông sâu và phình rộng ra như cái bụng”, nói cách khác là nó “có khuynh hướng tròn: “Chung búng má kèn”, chỉ vẻ mặt không hài lòng (xụ mặt), hai má phình ra; “Miệng nhai cơm búng”, chỉ hành động người lớn nhai cơm và thức ăn trong miệng, rồi lừa ra để mớm trẻ con ăn; “Búng ngón tay”, là hành động dùng đầu ngón tay cái kiềm chặt đầu ngón tay còn lại tạo thành hình tròn rồi đột ngột bung ra. Đây cũng là cách đo kích thước của một vật nhỏ gọn: Con cá lóc bự (to) bằng một búng tay” (SĐD, tr.1145).
Trong tiếng Việt lại có cụm từ “mặt búng ra sữa”, ủa, sữa lại trữ ở trên mặt? À, ý muốn nói người đó còn măng/trẻ măng, non choẹt, trẻ người non dạ. Một khi ai đó di chuyển, thông thường ta gọi là đi, bò, lê, lết… nhưng với tôm, châu chấu, dế, cào cào… thì chẳng ai dùng các từ này, chỉ có thể là búng, tức co mình và bật mạnh nhằm thay đổi vị trí. Con voi khi co vòi mà đánh ra/duỗi ra cũng gọi búng vòi.
Còn câu thơ của Nguyễn Gia Thiều:
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Búng này là dùng sức từ đầu ngón tay bật mạnh cho cái bong vụ quay tít. Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích bong là “Búng cho quay tít: Bọn trẻ chơi bong vụ”; và cũng cho biết vụ là con quay, “quay là đồ chơi của trẻ con búng cho quay tít đi” (Việt Nam tự điển, 1931). Cách chơi này là dùng đồng tiền hoặc khúc gỗ đẽo tròn, nhọn chân rồi búng/bong cho quay. Nhưng khi nghe câu bình luận trong cuộc chơi bóng chuyền: “Anh A đã dùng mười đầu ngón tay búng bóng lên cao”, ta hiểu là động tác chuyền bóng. Với câu thơ “Cái quay búng sẵn trên trời”, hiểu theo nghĩa rộng là chỉ cuộc xoay vần của tạo hóa. (còn tiếp)
(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)
Bình luận (0)