Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: Nấu sử sôi kinh

13/12/2021 07:00 GMT+7

Xưa nay, các nhà cầm quyền muốn tìm nhân tài ra giúp nước, thông thường phải thông qua con đường khoa cử. Vì thế, ngay từ ấu thơ, đứa trẻ được thấm nhuần qua lời ru của ông bà ru cháu, cha mẹ ru con, chị ru em…

Bài này, theo tôi vẫn tiêu biểu nhất cho một thời mà không chỉ một thời; có tài liệu cho là của cụ Nguyễn Khuyến, nếu đúng, đây là cách ghi theo lối hát ru:

Hạ hời hời hạ hời hời…

Nam nhi đứng ở trên trời

Thông minh tai mắt là người trần gian

Tang tình tang, tình tính tang

Em thơ chị ẵm, em ngoan chị bồng

Bồng bống bông, màn

Đổng Tử, gối Ôn Công

Lớn lên em phải ra công học hành

Xinh ghê xinh gớm là xinh

Tình tính tinh, sớm khuya

cửa Khổng sân Trình

Dốc lòng nấu sử sôi kinh chớ rời

(…)

Bài còn dài, tạm dừng và giải thích đôi từ như “màn Đổng Tử”: ông này sống thời Xuân Thu, hết sức chăm học, ba năm liền buông màn ngồi học, không nhìn ra vườn để không phân tâm; “gối Ôn Công”: ông này sống đời nhà Tống, chỉ gối đầu lên cái gối làm bằng cây đẽo tròn để lúc ngủ quên, gối lăn là giật mình tỉnh giấc, trở dậy tiếp tục học. Nay thử nêu vài nét khái quát về việc học tập của học trò thuở xưa.

Rằng, hầu như làng nào cũng có những trường học dành cho trẻ em. Không phải là trường công lập của nhà nước; hoặc cũng không phải trường tư như quan niệm hiện nay. Mà phổ biến nhất là trường thiết lập tại nhà riêng của một người giàu có trong làng, tự nguyện đài thọ cho thầy để dạy dỗ con em trong nhà. Thầy có thể là người giỏi chữ từ xa đến hoặc người làng thông thạo kinh sử nhưng chưa đỗ đạt, ngồi dạy học để chờ lúc triều đình mở khoa thi thì tiếp tục lều chõng, thường gọi là thầy đồ, thầy khóa: “Gõ đầu vẽ mặt mươi trò trẻ/Rút ruột tang bồng trả nợ cơm”. Những người hàng xóm cũng đưa con đến học, họ xin góp chung tiền với chủ nhà để cùng lo cho thầy - với quan niệm “đạo thánh là đạo rộng” nên chủ nhà chẳng hẹp hòi gì. Nhưng trường cũng có thể là của bậc thức giả trong làng, không phải lo chạy gạo hằng ngày, ngồi dạy trẻ trong nhà rồi nhân tiện dạy luôn trẻ nhà người.

Tranh vẽ cảnh học tập trong sách giáo khoa Le livre unique de Francais (1935) in tại Hà Nội

TƯ LIỆU

Đứa trẻ muốn thọ giáo với thầy thì cha mẹ phải làm lễ “khai tâm”. Lựa ngày lành tháng tốt cha mẹ đứa trẻ đem xôi gà, rượu... đến thưa với thầy và chủ nhà cho con em mình nhập học. Thầy mặc áo dài, đầu chít khăn đen khi khấn lễ khai tâm, còn đứa trẻ cũng lễ ba vái bốn lạy. Sau đó, mọi người cùng ăn lễ, đứa trẻ ưu tiên được ăn mắt gà với ngụ ý mắt sáng để tiếp thu nhanh chữ của thánh hiền, không cho ăn chân gà sợ khi viết run tay... Nếu gia đình khá giả hơn thì họ làm cỗ cúng, cáo yết gia tiên mời thầy và bà con xóm giềng đến nhà chứng kiến lễ khai tâm cho con em mình. Ăn uống xong, nếu trong làng có nơi thờ Đức Khổng Tử thì thầy dẫn trò ra đó ân cần giảng cho trò nghe về đạo Thánh hiền để trò ý thức về việc học của mình sau này.

Một mai chúa mở khoa thi

Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh

Ngày xưa, sĩ tử bước vào trường thi bị ràng buộc bởi những luật lệ nghiêm ngặt, hà khắc của “trường quy” - những quy định trong việc làm bài. Có những sự việc, nếu đọc sách nghiên cứu ắt cảm thấy nặng nề, dù cần thiết, dù khoa học, dù chính xác nhưng vẫn không hấp dẫn bằng các trang viết mà nhà văn đã lồng vào tình tiết thông qua các nhân vật. Trước kia, tôi cứ nghĩ nhà văn Ngô Tất Tố vẫn là cây bút phóng sự lỗi lạc, từng trải chuyên viết về đề tài nông thôn ở miền Bắc. Nói cách khác, muốn tìm hiểu ngóc ngách thân phận đời thường của người nông dân thuở ấy, đọc gì thì đọc nhưng không thể bỏ sót tác giả Tắt đèn. Nào ngờ khi đọc Lều chõng (1937), lại thấy một Ngô Tất Tố khác, đó là lúc ông dựng lại không khí thi cử ngày ấy cực kỳ sống động. Đọc Lều chõng với các nhân vật Vân Hạc, Đức Chinh, Đoàn Bằng, Đốc Cung…; hoặc đọc Bút nghiên (1942) của Chu Thiên và vài tài liệu khác, tôi ghi chép lại đôi dòng - dành cho những ai cần tìm hiểu nhưng không có thời gian ngốn vài trăm trang sách.

Có thể kể đến một vài quy định: “Trọng húy” là không được dùng bất cứ chữ gì có dính dáng đến tên nhà vua; “khinh húy” là tên những bà vua, mẹ vua, hay tiên tổ lâu đời của nhà vua. “Khinh húy” khi làm bài nếu dùng chữ đó thì phải viết bớt đi một nét, nhưng “trọng húy” thì tuyệt đối cấm. Nếu thí sinh phạm “khinh húy”, bị đóng gông phơi nắng suốt mấy ngày liền và suốt đời cấm thi; phạm “trọng húy”, chẳng những thí sinh bị tù tội mà đến cả những ông huấn, giáo, đốc học dạy dỗ họ cũng bị khiển trách giáng cấp.

(…) Trong quá trình viết bài, thí sinh phải tỉnh táo, cân nhắc từng chữ. Chẳng hạn, chữ “sĩ” trong bài thi Hương nộp cho quan trường xem, cũng giống như chữ “thần” trong bài thi Đình nộp cho nhà vua ngự lãm - có nghĩa là “tôi” thì những chữ ấy phải viết nhỏ hơn các chữ khác, nếu viết lớn là phạm trường quy. Trong khi đó, oái oăm sao, các chữ “sĩ” khác trong bài thì vẫn viết bình thường, chỉ khi nào tự xưng mình thì mới viết nhỏ. Hoặc chữ “văn” (nghe) nhưng khi viết mình nghe thì viết bình thường, còn viết vua nghe thì dứt khoát phải “đài” lên, nghĩa là viết nhô cao hơn các chữ khác nếu không thì phạm tội bất kính.

(…) Với quy định thi cử khắc nghiệt nên không ít người văn hay chữ tốt, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng! Đến nỗi nhà thơ tài hoa Tú Xương từng than thở, thở dài nẫu ruột:

“Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”. Và ông từng hào hứng reo lên: “Phúc nhà nay được sạch trường quy”! Hai chữ “phúc nhà” nghe mới mỉa mai, cay đắng làm sao (…).

Do quy định quá nghiệt ngã, khiến người ta nghĩ dù văn hay chữ tốt nhưng thi cử có đậu hay không còn do… âm đức của dòng tộc nhà mình nữa. Muốn thế, phải tạo âm đức thì may ra. Nói cách khác, chuyện đậu hay không là ngoài nỗ lực của mình, vì không thể lý giải vì sao nấu sử sôi kinh đã “chín”, đã có trong bụng một bồ chữ nghĩa nhưng vẫn không tên trên bảng rồng, bảng hổ? (còn tiếp)

(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.