Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: Sũ hay xũ?

06/12/2021 06:29 GMT+7

Nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn, lối ở, cách mặc bao giờ cũng phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc.

Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) của tác giả Lê Minh Quốc “không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của một nhà thơ, nhà văn từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị...”.

Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu một số nội dung trong bộ sách cùng độc giả.

Tại Hà Nội hiện nay có phố Lò Sũ. Theo Từ điển đường phố Hà Nội, Nguyễn Viết Chức chủ biên, NXB Hà Nội - 2010: “Phố Lò Sũ, thời Pháp thuộc có tên phố Pui-an (rue Pouyanne), có từ năm 1933. Năm 1945 đổi tên thành phố Nguyễn Trãi. Năm 1949 đổi tên thành phố Lò Sũ. Những lần đổi tên sau đều giữ nguyên tên này. Nay thuộc phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Phố này thời trước có nhiều cửa hàng đóng và bán áo quan (thường gọi Hàng Sũ) kèm theo một số đồ gỗ khác” (tr.444).

Vậy, sũ là gì?

Nếu tìm hiểu từ các từ điển tiếng Việt, ta sẽ không tìm thấy từ sũ. Chỉ có thể tìm ra từ sủ (dấu hỏi). “Sủ: tên một thứ cá biển lớn; Sủ: Vái mà xin bói, xin quẻ: Sủ quẻ, sủ bói” (Việt Nam tự điển, 1931); “Sủ: Loại cá biển, mình hơi giẹp, ngọt thịt: Cá sủ, mắm sủ; Sủ: Van vái xin thần thánh ứng vào quẻ bói” (Tự điển Việt Nam, 1971). Có thể nói từ Đại Nam quấc âm tự vị (1895) đến Đại từ điển tiếng Việt (1999) cũng đều giải thích tương tự.

Thế nhưng Hà Nội lại có phố Lò Sũ (dấu ngã). Không những thế, tại Nam Định cũng có. Theo Thành Nam xưa của Vũ Ngọc Lý (Sở VHTT Nam Định - 1997), bài vè Nam thành cảnh trí đã ghi nhận: Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm/Gặp nhau Bến Gỗ, vui sân một nhà.

Hàng Sũ này thuộc phố Yên Lạc của Thành Nam thời Pháp mới sang (SĐD, tr.94). Nhà văn Nguyên Hồng có thời gian sống tại Nam Định (khoảng 1918 - 1934), cũng nhắc đến lúc cư ngự tại phố Lò Sũ: “Mùa đông năm ấy mưa phùn liên miên như không bao giờ hết trong cái lạnh lẽo tê buốt của những luồng gió lộng. Người ta như đặc cả phổi dưới làn không khí ướt át của vòm trời thấp tối. Nhà tôi ở chung với nhà bán hàng sũ. Trong nhà, trừ gian bày bàn thờ, còn đâu đâu cũng xếp đầy gỗ phiến, gỗ tấm, gỗ bắp và các thứ săng ván. Quanh năm, mùi gỗ vàng tâm và gỗ dẻ thơm nức không khí” (Những ngày thơ ấu - NXB Văn học - 2015). Ta lưu ý đến chi tiết “các thứ săng ván”. Săng tên một thứ gỗ (…). Còn có cỏ săng dùng để đánh tranh lợp nhà. Săng trong đoạn văn của Nguyên Hồng lại nhằm chỉ nghề nghiệp của người thợ sũ là đóng hòm, áo quan. Săng là hòm đựng người chết. Tục ngữ có câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn chết thì lết vào săng” - tùy việc mà có chọn lựa, chứ nếu ầu ơ ví dầu kiểu như muốn ăn cá nhưng “Đặt lờ trên cây” thì có mà ngáp; “Cái mặt mần răng kiếm cây săng bằng rứa” - sống thế nào thì khi chết đi người ta cũng đối xử như thế, liệu đó mà sống; “Hàng săng chết bó chiếu”, thiệt éo le như “Thợ rèn không dao ăn trầu”.

Bán hàng như bán hàng săng/Ai mua thì bán chẳng rằng mời ai. Chẳng ai dám mời ai… mua săng bao giờ, bộ trù ẻo người xí lắt léo à? Thậm chí lúc người ta còn sống sờ sờ ra đó mà tặng săng chẳng khác gì rủa mau mau… đi bán muối, đi tàu suốt! Nói tóm lại sũ hiểu theo nghĩa săng là quan tài, hòm, linh cữu, quách, áo quan bằng gỗ để bao bọc người quá cố. Do có từ áo/áo quan nên mới có “áo sơ mi gỗ”, “áo ba đờ xuy gỗ”… - là vay mượn chemise, pardessus từ tiếng Pháp, đi chung với gỗ đã trở thành cách nói cùng nghĩa nhưng mang sắc thái tếu táo, bông phèng, bỡn cợt.

Tất nhiên, thợ sũ không chỉ đóng săng mà còn thêm các thứ đồ gỗ khác nữa, chẳng hạn sập, ghế ngựa, tủ chè, bàn, tràng kỷ, tủ búp phê, sa lông, tủ gương, giường… Trong các loại liệt kê này, ta không thấy nói đến các thứ như chum, lọ, lu, chĩnh, cóng… tức sản phẩm từ đất sét nung vốn làm ra từ lò. Vì rằng, một khi đặt tên phố Lò Sũ thì bản thân từ lò đã cho biết thao tác của người thợ khi làm nghề: “Lò: 1. Vật xây bằng đất, bằng gạch, hay làm bằng sắt để đốt lửa, nấu nướng: Hỏa lò, ông lò; 2. Xưởng chế tạo có dùng lò: Lò bánh, lò da, lò đúc, lò rèn, lò gạch, lò than, đốt lò; 3. Nơi dạy dỗ tập rèn: Võ sĩ ấy do lò đào tạo: Mới ra lò” (Việt Nam tự điển, 1971).

Vậy, từ “lò” trong phố Lò Sũ nghĩa là gì?

Lò ở đây là từ dùng để chỉ một nhóm người, một tập thể như tức bọn, lũ, phe, tụi cùng làm một nghề nào đó, tương tự như phường, chẳng hạn phường chèo, phường tuồng, phường buôn…; như làng, chẳng hạn làng báo, làng văn, làng văn nghệ… Nhân đây xin nói thêm là với từ phường, đầu thế kỷ 20 ở miền Nam còn gọi là gì? Thưa, thuở ấy, ông Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường được thiên hạ xếp vào hạng văn hay chữ tốt, có tài làm thơ. Lúc bút chiến với nhau, Tôn Thọ Tường viết: Khoe khoang sức giỏi cậy tài khôn/Múa mép khua môi cũng một phồn.

Phan Văn Trị trả lời: Khoe khoang việc phải mới rằng khôn/Kẻ vạy người ngay há một phồn.

Câu thơ này, có vài từ khó hiểu, chẳng hạn vạy. Vạy là cong/cong queo, không ngay thẳng; lời vạy là lời dối trá, thô lậu; thói vạy là thói xấu, tráo trở không ngay thẳng, không đáng tin cậy. Tục ngữ có câu “Cây vạy ghét mực tàu ngay”, nghĩa bóng là đứa gian giảo, làm những việc xấu xa bao giờ cũng sợ/ghét lẽ phải. Thế, phồn là sao? Phồn là phường. Dấu vết của phồn đồng nghĩa như phường, nay ta còn thấy qua cách nói chẳng hạn, phồn hoa/phồn hoa đô hội nhưng có điều thú vị là chẳng mấy ai còn sử dụng cụm từ phường hoa/phường hoa đô hội. Suy diễn chủ quan chăng? Nếu kiểm chứng các “từ khóa” này trên Google, ta sẽ có ngay kết quả.

Dông dài một chút, kể ra cũng hay đấy nhỉ? Biết là thế, nhưng cũng quay lại với lò trong Lò Sũ, chứ không khéo lạc đề mất. Rằng thưa, do Lò Sũ là nơi sản xuất, làm ra sản phẩm nên lò ở đây được hiểu là xưởng như Việt Nam tự điển, 1931 giải thích theo nghĩa rộng “Xưởng làm đồ gỗ”. Như thế, ta đã rõ về từ lò trong cụm từ phố Lò Sũ.

Thế nhưng, ta vẫn chưa giải thích được vì sao, từ điển chỉ ghi nhận xũ theo nghĩa là săng, là hòm. Các từ điển xưa nay vẫn thế; và như đã nói là trong tiếng Việt không có từ sũ. Thế thì, tại sao có phố Lò Sũ? Sự cá biệt này do đâu? Xin cậy nhờ các nhà ngôn ngữ học giải thích giúp.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.