20 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Nguyên Vân
Nguyên Vân
01/04/2021 06:05 GMT+7

20 năm qua, cứ đến dịp tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1.4.2001 - 1.4.2021), những người yêu nhạc Trịnh luôn ngồi lại cùng nhau để nhớ, hát và nghe những giai điệu bất hủ của ông...

20 năm qua kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về cát bụi, đó cũng là khoảng thời gian đủ để một thế hệ mới sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Và 20 năm qua, những thế hệ nghệ sĩ hát, biểu diễn âm nhạc Trịnh, những lớp khán giả nghe, tìm đến với nhạc Trịnh chưa bao giờ ngừng khai phá, mở rộng biên độ lan tỏa, khơi dậy tình yêu đối với âm nhạc của ông. Như niềm xúc động và hạnh phúc mà em gái ông - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh thổ lộ: “Thật đáng mừng là 20 năm đã trôi qua, nhưng di sản Trịnh Công Sơn, ký ức Trịnh Công Sơn ngày một nhân lên nhiều hơn trên quê hương của chúng ta”. Để mỗi một mùa tưởng niệm, những người mộ điệu thêm một lần hòa trong không gian âm nhạc của “gần lại với nhau, ngồi gần nhau hơn, ngồi kề bên nhau”; để cùng thấm với nhau rằng “Trịnh Công Sơn đã để lại trong trái tim của chúng ta, trong trí óc của chúng ta đôi ba hạt mầm mặc định “tâm hồn Việt”, giúp chúng ta yêu nhau hơn, chia sớt cho nhau nhiều hơn, hiểu được hơn giá trị của hòa bình và trân quý cuộc sống bình an nhiều hơn”, như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.
20 năm qua, những con đường mang tên Trịnh Công Sơn dần quen thuộc với người Hà Nội, Huế, rồi TP.HCM. Tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được đặt tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), nơi in dấu nhiều kỷ niệm đẹp của ông với thành phố biển này khi ông theo học sư phạm vào những năm 1962 - 1964, nơi cho ông cảm hứng để có những Biển nhớ, Dã tràng ca, Biển nghìn thu ở lại, Cát bụi, Vết lăn trầm... Tại TP.Hội An (Quảng Nam), không gian văn hóa Trịnh Công Sơn sắp hình thành...
20 năm qua, như tâm tình của em gái Trịnh Công Sơn: “Nhờ tất cả những nỗ lực của những người yêu nhạc Trịnh mà giờ đây chúng ta có thêm một thế hệ những người trẻ yêu nhạc Trịnh, biết sáng tạo và làm mới nhạc Trịnh phù hợp với thời đại để thu hút công chúng. Thời gian lùi xa, nhưng trong gia đình chúng tôi, anh Sơn và những tác phẩm anh để lại càng trở nên gần gũi hơn. Những tác phẩm đó cũng cho chúng ta thấy rõ thân phận của con người, của dân tộc Việt, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử trong nửa cuối của thế kỷ 20”.

Trịnh Công Sơn đã để lại trong trái tim của chúng ta, trong trí óc của chúng ta đôi ba hạt mầm mặc định “tâm hồn Việt”, giúp chúng ta yêu nhau hơn, chia sớt cho nhau nhiều hơn, hiểu được hơn giá trị của hòa bình và trân quý cuộc sống bình an nhiều hơn

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh

Để rồi sau những Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc; những Bảo Yến, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Quang Dũng; những Đức Tuấn, Tùng Dương, Đồng Lan, Lân Nhã, Miu Lê, Hà Lê hay Hoàng Trang - Nguyễn Đông... đã cùng tiếng hát, tình yêu hay dấu ấn sáng tạo riêng làm cho nhạc Trịnh trở nên phong phú, chạm đến mọi đối tượng người nghe theo cách riêng của mình. Dù đã có muôn vàn những đêm nhạc Trịnh, có biết bao đĩa hát Trịnh với nhiều phong cách thể hiện, những hình thức biểu diễn, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn chưa bao giờ thôi mới mẻ với người say mê.
20 năm nhớ Trịnh Công Sơn1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời

ẢNH: NGỌC HẢI

Đến nay, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi khi ông được báo chí quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam” (BBC), “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” (The Washington Post). Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản: Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc được phát hành tại thị trường Nhật với nhiều ca khúc; các ca khúc của ông được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản: Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong Kohaku Uta Gassen - chương trình âm nhạc đêm giao thừa thường niên của Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK; hơn 2 triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công này.
Còn tại Việt Nam, như “đúc kết” của những người hát Trịnh, yêu Trịnh, nghe Trịnh, âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ mãi là những trầm bổng của sự xoa dịu, ủi an, sẻ chia, kết gắn, khi thời gian đã xác nhận rằng: Nhạc Trịnh phả vào tâm thức người nghe một loại xúc cảm vượt lên những buồn vui của hợp tan thông thường, “hãy cứ vui chơi cuộc đời, hãy cứ vui như mọi ngày...”.
Nhiều chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
* Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhóm Du ca cùng thực hiện chuỗi chương trình 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn (hoàn toàn miễn phí). Chủ đề của các đêm nhạc Trịnh năm nay mang tên Những sớm mai Việt Nam, với sự tham gia của một thế hệ nghệ sĩ trẻ đến với nhạc Trịnh: Lân Nhã, Hà Lê, saxophonist An Trần, Hoàng Trang, Tấn Sơn, nhóm múa Lyricists, dàn kèn Huế cùng những nghệ sĩ nổi tiếng: Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn, Phạm Thu Hà, saxophonist Trần Mạnh Tuấn... Cụ thể: ngày 1.4 tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, livestream (phát trực tuyến) lúc 20 giờ; ngày 9.4 ở hội trường Trịnh Công Sơn tại Trường đại học Văn Lang, TP.HCM; ngày 17.4 tại công viên Fidel, TP.Đông Hà, Quảng Trị; ngày 24.4 ở khu công nghiệp và đô thị VSIP - Việt Nhân, Bắc Ninh; ngày 1.5 ở khu du lịch sinh thái Cồn Bắp, TP.Hội An, Quảng Nam; ngày 13.6 ở khu Đại Nội, TP.Huế trong dịp diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế...
Đặc biệt, chương trình Hãy yêu nhau đi do Đài PT-TH Quảng Trị phối hợp cùng gia đình nhạc sĩ tổ chức tại công viên Fidel, TP.Đông Hà (truyền hình trực tiếp vào 20 giờ 10 tối 17.4) có nhiều điểm nhấn như: phong cách hàn lâm được hòa âm tinh tế với những nhạc cụ dân tộc Việt trên nền nhạc phương Tây; những đột phá trong cách thể hiện nhạc Trịnh theo phong cách rap hiện đại...
* Tại Gác Trịnh (đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế), triển lãm tranh Trịnh và những âm ba khai mạc chiều 1.4, giới thiệu những bức tranh giá trị của các họa sĩ nổi tiếng: Vĩnh Phối, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Nguyễn Đại Giang... và cả tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trước đó tối 29.3, Hội Âm nhạc Thừa Thiên-Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế đã tổ chức chương trình Nhớ Trịnh Công Sơn tại Nhà Kèn, công viên bờ sông Hương.
* Tối 1.4, trong khuôn viên Cafe sách Hạt giống tâm hồn (Q.3, TP.HCM) diễn ra đêm nhạc Hãy yêu nhau đi với sự tham dự và biểu diễn của các doanh nhân Lê Viết Hải, Hoàng Đức Huy, Lê Trung Thọ, Nguyễn Huân cùng các nghệ sĩ: kỷ lục gia thế giới Trương Đình Chiếu, “quái kiệt” Tòng Sơn, quán quân Tuyệt đỉnh song ca Ngọc Giàu...  
N.Vân - B.N.Long - Ng.Phúc - L.C.Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.