5 năm 'du ca' cùng Trần Tiến

Ngọc An
Ngọc An
05/12/2020 06:39 GMT+7

Bộ phim tài liệu Màu cỏ úa (dài 80 phút) về nhạc sĩ Trần Tiến được phát hành thương mại tại 2 rạp chiếu DCine Bến Thành (TP.HCM) và Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) từ ngày 4.12.

5 năm 'du ca' cùng Trần Tiến1
Đạo diễn phim Lan Nguyên (ảnh) hẳn là một cái tên khiến nhiều người tò mò, bởi cô còn quá lạ lẫm với giới làm phim huống chi công chúng, vậy mà cô đã ra mắt hẳn bộ phim đầu tay về người nhạc sĩ mang tầm vóc lớn với âm nhạc đương đại Việt Nam. Nữ đạo diễn 30 tuổi còn nhiều ngại ngùng khi đứng trước đám đông, nhưng cũng vì thế đã cho thấy sự chân thành, trong trẻo trong tình yêu dành cho âm nhạc của Trần Tiến. Chẳng thế mà Lan Nguyên đã dành 5 năm của quãng đường tuổi trẻ để “du ca” cùng người nhạc sĩ.
Điều gì khiến chị quyết định thực hiện một bộ phim về nhạc sĩ Trần Tiến?
Đạo diễn Lan Nguyên: Âm nhạc của ông đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi nghe nhạc của ông từ lúc còn nhỏ. Bẵng đi một thời gian, tôi ít được gặp ông trên ti vi. Tôi muốn đi tìm người trong ký ức của mình. 5 năm làm phim là 5 năm trưởng thành. Cảm ơn bộ phim và cảm ơn chú Tiến đã mang tôi đến điện ảnh như thế!
5 năm là một chặng đường không hề ngắn, lại không phải là người làm phim chuyên nghiệp (Lan Nguyên học kiến trúc - PV), đã lúc nào khó khăn quá khiến chị muốn dừng lại?
Khó khăn lớn nhất của tôi chính là việc tôi không phải là nhà làm phim, không học trong trường lớp bài bản. Việc tìm người đi quay cho mình cũng khó. Có những cảnh tôi tự quay mà thấy run. Đã vô số lần tôi nghĩ đến chuyện thôi bỏ đi, nhưng thứ níu tôi lại là 2 chữ “niềm tin”. Tôi có niềm tin là một nhân vật như vậy hoàn toàn xứng đáng để có một bộ phim; có niềm tin là bắt buộc phải hoàn thành bộ phim này. Và tôi không thể phản bội niềm tin của mình được.
Điều mà tôi nhận được khi làm bộ phim là cảm hứng sống mà chú Tiến truyền đến. Lúc quá khó khăn, tôi muốn từ bỏ rồi, nhưng chính bộ phim này là động lực để tôi vượt qua.
5 năm 'du ca' cùng Trần Tiến2

Nhạc sĩ Trần Tiến hát với bạn trẻ ở Hà Nội

ẢNH: ĐPCC

Nhưng với một nhân vật như nhạc sĩ Trần Tiến, việc thuyết phục để “can thiệp” vào cuộc sống của ông như thế không phải là dễ?
Ban đầu, ông nói “chú không thích lên sóng, đừng quay!”. Một lần, ông rủ tôi xuống Vũng Tàu chơi. Lúc nghe một giọng ca hát Tạm biệt chim én, ông bảo đây là giọng ca “ngây thơ nhất” hát ca khúc này. Biết là tôi, ông bỗng gật đầu: “Thôi làm phim được!”. Khoảnh khắc đó khiến tôi xúc động.
Ông là nhân vật vừa dễ, vừa khó. Không phải muốn quay là quay, muốn ông hát là ông hát, muốn nói là nói. Tôi phải dùng cách là lẳng lặng đi theo, lẳng lặng góp nhặt, chứ không dám tác động gì cả. Chính nhờ như thế khiến ông bộc lộ với mình nhiều. Tôi không có kịch bản, không bắt ông phải diễn gì cả, vậy nên ông mới chia sẻ thật lòng với mình.
Điều gì ở nhạc sĩ mà khi làm phim chị mới thấy được?
Đó là nỗi niềm của ông quá lớn. Tôi nghĩ thực sự mình chưa cảm nhận được hết nỗi niềm của ông qua âm nhạc. Ông đã phải chất chứa rất nhiều đến mức có thể viết ra những ca khúc như vậy.
Chuyến đi đầu tiên với ông là đến Quảng Bình, cả sân bay đều nhận ra ông. Còn ông dắt bọn tôi đi và giới thiệu “cháu của chú này”. Khoảnh khắc đấy khiến tôi thấy mình được trân trọng, yêu thương.
Sự quan tâm của ông với giới trẻ khiến tôi rất bất ngờ. Tôi từng nghĩ những người nhạc sĩ như thế chỉ chơi với những người ở thế hệ họ thôi. Nhưng tôi bất ngờ vô cùng bởi ông rất yêu mến giới trẻ, ủng hộ họ. Cách ứng xử với người trẻ của ông khiến tôi nghĩ là mình đang nói chuyện với người chú, người bác, người cậu, chứ không phải với người nhạc sĩ nổi tiếng.
“Âm nhạc của Trần Tiến ra đời từ nhân dân và số phận của họ. Ông đã trả lại đúng cho nhân dân tất cả những gì đã nhận. Chính bởi vậy, ca khúc của Trần Tiến có gì đó rất thân thuộc, ai cũng hát được, cũng thuộc được. Tôi hy vọng bộ phim này sẽ trở thành kỷ niệm đẹp với gia đình, với người yêu nhạc Trần Tiến và kéo dài tình yêu với âm nhạc Trần Tiến nơi trái tim mọi người”.
Ca sĩ Trần Thu Hà, cháu gái nhạc sĩ Trần Tiến
Đạo diễn Lan Nguyên (tên thật Nguyễn Thúy Lan) tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, với niềm đam mê trong thế giới hình ảnh và âm thanh, cô quyết định trở thành phóng viên, biên tập viên truyền hình, thực hiện nhiều phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam. Chưa từng học qua trường lớp điện ảnh chính quy nào, nhưng với tình yêu dành cho âm nhạc của Trần Tiến, Lan Nguyên cùng những người bạn của mình đã thực hiện bộ phim Màu cỏ úa với hơn 15 đợt quay trong suốt 5 năm (từ 2015 - 2020). Bộ phim khắc họa chân dung con người Trần Tiến từ lúc ông khởi đầu nghiệp ca hát, cho đến khi bắt đầu đi vào con đường sáng tác, những năm tháng chiến đấu tại chiến trường, và những chuyến du ca sau này... Ở đó, người xem còn thấy một Trần Tiến của đời sống, của gia đình, bè bạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.