Âm nhạc, múa đương đại thành liệu pháp tinh thần

Nguyên Vân
Nguyên Vân
22/10/2018 06:12 GMT+7

Âm nhạc trị liệu hay các liệu pháp từ hình thức nghệ thuật đương đại khác như múa, hội họa.

Không chỉ giải tỏa stress và làm dịu những cơn đau thể xác, âm nhạc trị liệu hay các liệu pháp từ hình thức nghệ thuật đương đại khác như múa, hội họa... được một số nghệ sĩ nghiên cứu và phổ biến, như “liều thuốc” cho cuộc sống hiện đại nhiều áp lực.
“Dùng nhạc Việt để điều trị sức khỏe cho người Việt”
Đây là ý tưởng đã được hiện thực hóa thông qua công trình Âm nhạc trị liệu của nhạc sĩ Miên Đức Thắng mà ông đã có buổi giới thiệu đến công chúng lẫn những người công tác trong ngành y hồi tháng 9 vừa qua. Nhạc sĩ cho biết trong hơn 1 năm qua, ông đã phổ biến rộng rãi về đề tài này qua 3 chương trình công diễn, thu hút hơn 1.000 người tham dự, trong đó đa số đều thuộc ngành y tế.
Ông chia sẻ: “Tôi hệ thống hóa chương trình Âm nhạc trị liệu, dẫn chứng bằng chính những sáng tác của mình, dùng chính âm nhạc của người Việt để điều trị sức khỏe cho người Việt, có lý luận khoa học mà tôi đã nghiên cứu tổng hợp từ các tư liệu đã được công nhận từ nhiều nước trên thế giới, ứng dụng từ các hiểu biết về y học. Từ đó, tôi đưa ra những liệu pháp cụ thể: ứng dụng nhạc sóng não vào điều trị, ứng dụng âm nhạc trị liệu vào yoga và thiền, và trong tập bài giảng có chia ra các liệu pháp cụ thể ứng dụng vào đời sống để điều trị một số bệnh lý như stress, trầm cảm, tâm thần phân liệt, hoang tưởng... mà căn nguyên có thể do gien di truyền, tác động xã hội hay công việc...”.
Để phương pháp ứng dụng âm nhạc trong điều trị dễ tiếp cận hơn, nhạc sĩ Miên Đức Thắng chia các nhạc phẩm của mình theo 4 liệu pháp: liệu pháp âm nhạc an thần (những ca khúc có tiết tấu êm ái, nhẹ nhàng, có thể làm dịu những căng thẳng hay ru ngủ), liệu pháp âm nhạc giải uất (những bài hát khai thông được nỗi u uất của người bị bệnh trầm cảm, stress), liệu pháp bi thắng nộ (những bài hát da diết, bi ai để chế ngự giận dữ, cuồng nộ), liệu pháp âm nhạc sôi động (những ca khúc tươi vui, tích cực). Không chỉ vậy, cả phần hòa âm phối khí cũng được “phân liều” theo tình trạng người bệnh.
Một buổi học cảm thụ âm nhạc do NSƯT Hoàng Điệp giảng dạy ẢNH: Đan Vi
Một buổi học cảm thụ âm nhạc do NSƯT Hoàng Điệp giảng dạy Ảnh: Đan Vi
Phương pháp Âm nhạc trị liệu của Miên Đức Thắng đã được Sở Y tế TP.HCM đồng thuận và mời ông giảng dạy cho các dược sĩ tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Và tháng 1.2019, Âm nhạc trị liệu sẽ đến với các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi và khuyết tật tại Huế, cùng một chương trình riêng Mienducthang Music Therapy được tổ chức ở thành phố này.
Cũng nghiên cứu Âm nhạc trị liệu (music therapy) cùng Sư phạm và Giáo dục âm nhạc từng có 10 năm theo học ở Nga, NSƯT Hoàng Điệp cho biết khi trở về VN giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM (từ thời điểm 1990), chị thấy có nhiều bất cập lẫn khó khăn khiến không thể áp dụng nhiều điều đã được học và trải nghiệm.
“Những năm gần đây, tôi phối hợp với một trường quốc tế đưa môn Cảm thụ âm nhạc vào chương trình của trường và một bệnh viện quốc tế để có thể kết hợp giữa Tâm lý trị liệu với Âm nhạc trị liệu. Tôi áp dụng cả nhạc không lời và có lời. Tôi đặc biệt quan tâm tới phương pháp dùng Body Percussion (Âm nhạc tự thân) trong điều trị”, NSƯT Hoàng Điệp nói.
Nhảy múa giải phóng năng lượng xấu
Theo NSƯT Hoàng Điệp, khi cuộc sống công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu được tiếp cận văn minh ngày càng cao, ở các nước Âu - Mỹ, ngoài việc phát triển mạnh mẽ về Âm nhạc trị liệu, còn có sự hình thành và phát triển mạnh các thể loại khác như Art therapy (nghệ thuật trị liệu) hay Dance therapy (khiêu vũ trị liệu) ở Mỹ - Úc - Anh để hỗ trợ các chức năng trí tuệ, tình cảm và vận động của cơ thể.
Tại VN, có thể thấy nghệ thuật trị liệu này qua dự án Wintercearig - chuỗi chương trình thông qua nghệ thuật đương đại như múa, hội họa... để khơi gợi nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm lý đang tồn tại trong bộ phận công chúng. Đây là dự án phi lợi nhuận do nghệ sĩ 9X Tricia Nguyễn khởi xướng, vừa diễn ra năm thứ 2 vào đầu tháng 10.2018. Các nghệ sĩ (gồm biên đạo, họa sĩ, nhạc sĩ) cùng chuyên gia tâm lý trị liệu tham gia dự án mong muốn có thể phổ biến, kết nối kiến thức về sức khỏe tâm lý với người tham gia (đa phần từng mắc chứng trầm cảm) thông qua múa đương đại, nghệ thuật sắp đặt, các tác phẩm hội họa và hội thảo, giúp mọi người thấy rằng có nhiều loại hình để ai cũng có thể bộc bạch, giải tỏa những gì đang vướng mắc - những triệu chứng tâm lý của mình.
Khi giới thiệu về ý tưởng chương trình, Tricia Nguyễn từng chia sẻ mình đã vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống tinh thần (khi mắc chứng trầm cảm) bằng chính “người bạn đặc biệt”, là múa. Biên đạo Tạ Hưng, giảng viên Trường Múa TP.HCM, cho biết: “Ai cũng có thể múa được, xấu đẹp ở đây không còn quan trọng. Theo kinh nghiệm của mình, việc bật nhạc lên, tự phiêu và nhảy múa là cách hữu hiệu để đưa năng lượng xấu khỏi cơ thể, làm cho mình cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi xem đó là phương pháp giải tỏa stress cực tốt”.
Nhìn nhận vai trò của nghệ thuật trị liệu, TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH KHXH-NV TP.HCM, cho rằng: “Âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật đương đại, khi được sử dụng đúng lúc, đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tốt cho con người, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến não bộ, kích thích cảm xúc và cảm giác. Riêng âm nhạc trị liệu đã được sử dụng để làm dịu những căng thẳng, tăng động hay khó chịu, làm giảm những trạng thái tiêu cực, cân bằng tâm lý”... Mặt khác, theo ông, khi chất lượng cuộc sống cao hơn, có điều kiện hơn, người ta bắt đầu quan tâm hơn đến các liệu pháp tinh thần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.