Băn khoăn đề án trùng tu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

Lê Lâm
Lê Lâm
11/09/2018 07:06 GMT+7

Nhiều ý kiến lo lắng trước viễn cảnh đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), di tích lịch sử cấp quốc gia hơn 300 năm, sẽ bị 'xóa sổ' khi thực hiện phương án di dời.

Ông Nguyễn Trung Cang, thành viên Ban Quý tế, người trông coi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vừa gửi đơn lên Bộ VH-TT-DL, phản ánh những đánh giá không đúng sự thật về hiện trạng ngôi đền của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai - viết tắt BQL dự án tỉnh Đồng Nai), khi lập đề án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, cũng như phản đối phương án di dời đền khỏi vị trí hiện nay.
[VIDEO] Nỗi lo ngôi đền 300 năm bị tổn thương vì bị đề xuất di dời
“Di dời là tiêu hết”
Theo ông Cang, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh có lịch sử hơn 300 năm, do nhân dân dựng lên. Mới đầu chỉ là ngôi đền nhỏ, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo mới có diện mạo như hiện nay. Từ trước đến nay đền nằm ở vị trí này. “Đề án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích mà BQL dự án tỉnh Đồng Nai đưa ra gồm 2 phương án, trong đó có phương án di dời đền vào vị trí chính giữa khu di tích, đồng thời nâng cốt nền lên. Về mặt thẩm mỹ, kiến trúc, tôi cho rằng phương án này rất tổng thể, hài hòa, cân đối, đẹp mắt nhưng về mặt di tích thì đánh mất tính lịch sử, vi phạm luật Di sản, phá vỡ yếu tố nguyên gốc của di tích”, ông Cang trình bày. Ngoài ra, theo ông Cang, móng của ngôi đền được lót bằng đá xanh, vì vậy di dời rất khó khăn, rất dễ xảy ra sự cố. “Đổ một cái là sập hết, tiêu hết”, ông Cang nói.
Cũng trong đơn kiến nghị, đại diện Ban Quý tế cho rằng những đánh giá về hiện trạng mà BQL dự án tỉnh Đồng Nai đưa ra là không đúng sự thật. Ông Cang bức xúc: “Trong báo cáo ghi rằng đền đang trong tình trạng sạt lở, sụt lún, cột kèo xiêu vẹo, có nguy cơ đổ ngã rất cao. Đền cách bờ sông 20 m, mùa mưa Nhà máy thủy điện Trị An xả lũ gây ngập úng. Nhưng các anh nhìn xem, đền còn rất tốt, nền vững chắc không có dấu hiệu sụt lún hay xiêu vẹo gì; đền cách sông Đồng Nai đến cả 100 m, chuyện ngập úng là rất hiếm. Chỉ vào năm 1952, xảy ra lũ lịch sử, chợ Biên Hòa lúc đó lút nóc nhưng tại đây nước chỉ ngang bắp chân”.
Kết cấu phía trong đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
Dự án còn trong quá trình nghiên cứu
Trả lời PV Thanh Niên về những phản ánh của Ban Quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai, cho rằng dự án này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu khả thi, chưa phê duyệt và quan điểm của các đơn vị tham mưu đều là giữ nguyên hiện trạng chứ không di dời. Ông Dũng cho hay trước đây dự án này được UBND tỉnh giao Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai nhưng sau đó chuyển về BQL dự án tỉnh (tổng vốn dự án 114 tỉ đồng - PV). Ngày 5.7, BQL dự án tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp lấy ý kiến về hồ sơ thiết kế dự án theo 2 phương án. Một là giữ nguyên hiện trạng toàn bộ khối đền thờ chính, di dời một số hạng mục khác và xây dựng mới theo trục thần đạo. Hai là di dời đền thờ chính vào giữa, nâng cốt nền cao tạo sự uy nghi, hoành tráng xứng tầm với công lao to lớn của đức ông Nguyễn Hữu Cảnh. Tại cuộc họp, đại diện Sở VH-TT-DL, Ban Quản lý di tích, UBND TP.Biên Hòa và xã Hiệp Hòa đều chọn phương án 1 là không di dời. “Căn cứ vào cuộc họp, ngày 2.8, BQL dự án tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa xin ý kiến góp ý”, ông Dũng thông tin.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên ngày 10.9 xung quanh vấn đề Ban Quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh cho rằng những đánh giá về tình trạng ngôi đền trong báo cáo về dự án chưa đúng sự thật, ông Đỗ Quang Điểm, Phó giám đốc BQL dự án tỉnh Đồng Nai, nói: “Giờ chỉ là khái toán, xin chủ trương đầu tư thôi chứ chưa tính chi tiết thay cái cột này, cái kèo kia. Chừng nào phương án được duyệt thì mới lập thiết kế kỹ thuật, xác định rõ chi tiết nào cần thay thế”. Ông Điểm giải thích thêm: “Cái này do ý kiến chủ quan của đơn vị tư vấn. Chúng tôi sẽ xem xét lại báo cáo của đơn vị tư vấn và có ý kiến. Vấn đề này chúng tôi vẫn chưa chốt lại, đang trong thời gian xin chủ trương đầu tư thôi. Về phương án di dời hay không di dời, còn phải tiếp tục khảo sát”.
Ông Lê Trí Dũng cho biết từ thời điểm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990, Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai đã 2 lần tu bổ ngôi đền. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, việc tu bổ chỉ dừng ở mức độ bảo quản, gia cố, thay thế các cấu kiện bị hư...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.