Bệnh viện quân sự đầu tiên ở Sài Gòn đặt tên là Hôpital Militaire (Bệnh viện Quân sự), đáp ứng ba tiêu chí: “có các chái nhà để tránh lây nhiễm, nền cao để chống ẩm thấp trong một khuôn viên thoáng khí, phòng ốc và mái hiên rộng rãi, điều hòa tự nhiên” (dẫn theo Louis Reymondon).
Trong cuốn sách Les missions catholiques françaises au XIXe siècle (tome 2, Paris, 1900) có đoạn miêu tả như sau: “... bệnh viện quân sự đầu tiên này [nguyên văn: premier hôpital militaire] không như bất kỳ cơ sở tuyệt vời nào còn tồn tại ngày nay: có ba phòng nhỏ dành cho bệnh nhân, một căn phòng chật chội cho các sơ [sœurs], một căn phòng khác cùng kích thước dành cho người điều hành và các bác sĩ; đó là tất cả. Đồ nội thất không khá hơn, một thùng bánh làm ghế ngồi, một chai rỗng làm chân nến…” (tr.492).
|
Những ảnh chụp và bưu thiếp về Sài Gòn còn lưu lại đến ngày nay cho thấy rõ khuôn viên bệnh viện từ thập niên 1880 trở về sau, bệnh viện được thiết kế theo lối kiến trúc khá giống với trại lính Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa gần đó, gồm nhiều dãy nhà lớn xây dựng từ những dầm thép tiền chế và gạch trên nền đá granit, chuyển từ Pháp sang, khá cao so với mặt đất.
Hình ảnh cho thấy bệnh viện quân sự đầu tiên ở Sài Gòn được thiết kế thông thoáng, phòng bệnh lớn, các dãy nhà có hành lang rộng rãi, điều hòa không khí tự nhiên.
Xung quanh bệnh viện trồng rất nhiều cây xanh trông giống như một công viên thoáng mát, nhằm mục đích mang đến cho bệnh nhân môi trường thiên nhiên lý tưởng để nghỉ dưỡng/chữa bệnh thay vì chỉ có bốn bức tường như đang ở trong trại giam.
|
|
Trong khuôn viên bệnh viện quân sự đầu tiên ở Sài Gòn cũng có những lối đi dành cho bệnh nhân giữa hai hàng me xanh và nhiều băng ghế dựa đặt xen kẽ giữa những gốc cây để bệnh nhân ngồi thư giãn, hóng mát, nhưng vẫn đảm bảo được khoảng cách tối thiểu.
Bệnh viện Quân sự đầu tiên ở Sài Gòn, nay gọi là Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) còn là một quần thể kiến trúc đặc biệt nằm giữa trung tâm, ghi dấu một trào lưu kiến trúc Đông Dương, kết hợp cả phong cách kiến trúc bản địa lẫn kiến trúc Pháp những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Vì những độc đáo như thế nên sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. (Còn tiếp)
Bình luận (0)