Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Bình gốm hoa nâu đầu người mình chim thời Lý

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/02/2021 06:58 GMT+7

Chiếc bình gốm hoa nâu đầu người mình chim còn nguyên vẹn là một di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu cho loại hình gốm hoa nâu thời Lý.

Hoa văn hoàn mỹ, nguyên vẹn

Chiếc bình gốm hoa nâu của Bảo tàng Quảng Ninh (thế kỷ 11 - 12) đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phân tích trước khi gửi hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Theo đó, bình được làm từ đất sét trắng, có tráng men trắng ngà và tô men nâu. Bình được nung ở nhiệt độ cao, nên bền chắc và còn tồn tại nguyên vẹn với đường nét hoa văn hoàn mỹ, chất lượng bảo quản tốt như hiện nay.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá rất cao sự nguyên vẹn của chiếc bình gốm hoa nâu thời Lý này. Trước đó, khi quân Minh sang xâm lược, đã có những mệnh lệnh tàn phá văn hóa. Chẳng hạn, Minh Thành tổ từng ra sắc dụ, trong đó quy định khi quân vào An Nam, trừ kinh sách Phật và Đạo không hủy ra, còn các loại văn bản khắc chữ cho đến sách vở học tập lễ tục của trẻ nhỏ phải đốt bỏ hết… Điều này dẫn đến sự tàn phá tàn khốc. Những loại hình đồ dùng tiêu biểu, đồ ngự dụng hoàng gia, đồ nghi lễ trong cung điện trong đó có thể có nhiều đồ gốm sứ như bình, thạp… cũng bị tàn phá. “Một chiếc bình gốm hoa nâu thời Lý, dáng quả đào, nguyên vẹn như vậy quá quý hiếm”, ông Tín nói.
Trong khi đó, theo PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số lượng bình gốm hoa nâu có trang trí tượng đầu người mình chim còn nguyên vẹn hiện không nhiều, chỉ còn khoảng một vài tiêu bản. Sách Gốm hoa nâu Việt Nam (PGS-TS Phạm Quốc Quân, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến) giới thiệu 4 tiêu bản khác còn tương đối nguyên vẹn và đều thuộc các bộ sưu tập tư nhân. Từ đó, hồ sơ bảo vật cho biết: “Bình gốm hoa nâu thời Lý có trang trí hình tượng đầu người mình chim còn nguyên vẹn là di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình gốm hoa nâu thời Lý tại Bảo tàng Quảng Ninh”.
Hồ sơ cho biết căn cứ vào dấu tích trên di vật, bình gốm này hoàn toàn được làm bằng tay với kỹ thuật điêu luyện. Bình được làm rời từng bộ phận rồi gắn kết lại với nhau, sau đó tráng men ngà và tô men nâu. Sau khi tạo dáng, tô men, tô màu, bình được đưa vào lò nung. Gốm hoa nâu thời Lý sử dụng kỹ thuật nung một lần. Các nhà khoa học đánh giá chiếc bình bảo vật quốc gia này cho thấy thao tác trong khâu nung đã đạt đến mức độ thuần thục nhất định. Nhờ đó, sản phẩm có độ chín đồng đều trên cả xương đất, men và màu.

Đời sống cung đình

Phần đầu người trên chiếc bình được tạo hình là người đàn ông mắt to, sống mũi cao, miệng nhỏ, môi to và dày. Chiếc mũ đội đầu được tạo các đường gờ nổi tô màu vàng, chỉ chìm tô màu nâu. Đây là cấu trúc mũ quyển vân thời Lý ở Việt Nam. Phần chân người có bắp chân to mập, cẳng chân dài chắc chắn, khuỷu chân có một túm lông to và dài lượn sóng. Các nhà khoa học cho rằng túm lông khuỷu chân này rất giống túm lông trên khuỷu chân rồng, phượng thời Lý - Trần cả trên trang trí kiến trúc lẫn trên nghệ thuật điêu khắc gốm hoa nâu, bia ký… Bên cạnh đó, nhân vật thần đầu người mình chim mang cả yếu tố Ấn Độ giáo và Phật giáo truyền thống thời Lý.
Hồ sơ bảo vật cho biết ở một số nơi thuộc miền Bắc Việt Nam cũng phát hiện hình tượng đầu người mình chim tương tự bình gốm hoa nâu của Bảo tàng Quảng Ninh. Hình tượng này từng xuất hiện phổ biến tại các công trình Phật giáo thời Lý - Trần như tháp Phật Tích, tháp Sùng Thiện Diên Linh (chùa Long Đọi), chùa Thái Lạc… Chẳng hạn, tại Phật Tích, hình tượng thể hiện các nhạc thần đang sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau. Tại chùa Thái Lạc, vị thần đầu người mình chim trong tư thế dâng hoa tại nghi lễ Phật giáo.
Căn cứ vào hình dáng và hoa văn trang trí, nhất là hình tượng đầu người mình chim được tạo tác tỉ mỉ, các nhà khoa học cho rằng bình gốm bảo vật này có thể là đồ dùng của tầng lớp quyền quý hoặc đồ lễ khí trong các hoạt động tế lễ của cung đình hoặc tôn giáo thời Lý. Việc sử dụng bình này trong tế lễ có thể vẫn tiếp tục được thực hiện ở các triều đại sau đó. Chính vì thế, hồ sơ bảo vật cho rằng chiếc bình thể hiện cả yếu tố vương quyền lẫn thần quyền.
Thêm vào đó, bình gốm này đánh dấu bước phát triển cao của kỹ thuật - mỹ thuật - nghệ thuật sản xuất gốm thời Lý. Bình được coi là một trong những biểu tượng cho đỉnh cao sáng tạo văn hóa thời độc lập tự chủ sau đêm trường Bắc thuộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.