Tọa đàm "Công - dung - ngôn - hạnh thời hiện đại" (do Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM và Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức) đã "xới" lại vấn đề tưởng chừng cũ nhưng lại luôn mang tính thời sự: "bí quyết" giữ lửa hôn nhân của phụ nữ trong xã hội Việt Nam xưa và đương đại. Tham gia tọa đàm là các khách mời gồm tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, thạc sĩ tâm lý Vũ Kim Ngọc và nam ca sĩ Nguyễn Phi Hùng.
Sự kiện thu hút khá nhiều chị, em tham gia, mọi người cùng nhau bàn luận sôi nổi xoay quanh 4 phạm trù trên. Chương trình lần này tạo cơ hội để những thế hệ phụ nữ chia sẻ với nhau về những trải nghiệm trong cuộc sống, từ đó giúp cho người phụ nữ nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong gia đình, ngoài xã hội.
|
Một số chủ đề thường nhật như nữ công gia chánh, đời sống hôn nhân, nuôi dạy con cái, quan hệ vợ chồng... được đem ra "mổ xẻ" tại buổi tọa đàm thông qua góc nhìn của các chị, em. Đơn cử như bữa cơm gia đình, có ý kiến cho rằng phụ nữ thời xưa gắn liền với gian bếp, phải chịu khó thức khuya dậy sớm để lo từng bữa ăn cho các thành viên khác; lại có ý kiến bổ sung phụ nữ hôm nay cực hơn, vừa làm việc nhà vừa "xông pha" ngoài xã hội để kiếm tiền nên không thể chu toàn việc bếp núc.
Từ đó nhiều ý kiến đúc kết, người phụ nữ trong xã hội hôm nay không nhất thiết phải lo tươm tất từng bữa cơm mới là hay, giỏi, nhưng chí ít cũng phải biết nấu nướng và khi cả gia đình quá bận, việc cùng nhau ra ngoài ăn cũng là cách để mọi người trong gia đình gắn kết với nhau. Đồng thời cũng có ý kiến bày tỏ ăn là một chuyện nhưng cái quan trọng nhất là bữa ăn có tạo được sự kết nối giữa vợ và chồng hay không, có vui vẻ hay không mới là cái đích mà bữa ăn đó hướng đến.
Công, dung, ngôn, hạnh là 4 phạm trù đạo đức cơ bản của Nho gia tồn tại từ thời phong kiến "gán" cho người nữ, gọi là Tứ đức, đi liền với đó là Tam tòng (Tại gia tòng phụ - ở nhà thì phải theo cha, Xuất giá tòng phu - lấy chồng thì phải theo chồng và Phu tử tòng tử - chồng chết thì phải theo con). Có khách mời cho biết từng sống trong gia đình tam/tứ đại đồng đường (nhiều thế hệ cùng sống chung một mái nhà) nên bản thân chịu sự giáo dục hà khắc của cha mẹ, ông bà từ lời ăn, tiếng nói...; cũng có người chia sẻ từng sống trong một gia đình chồng theo nề nếp phong kiến nên cảm thấy bức bối...
|
|
Xuất phát từ góc độ của nam giới, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân "bật mí" cách chị em "lôi kéo", "dụ" chồng làm việc nhà, từ những việc nhỏ như nấu cơm, nhặt rau đến việc đưa rước con cái... Theo anh, phụ nữ có hai thứ "vũ khí" mà đàn ông "chết đứ đừ" - đó là sự đằm thắm, dịu dàng và nước mắt. Bằng sự dịu dàng trong lời nói, phụ nữ dễ dàng chiếm cảm tình của đàn ông. Còn nước mắt đó lại là thứ mà bất kỳ người đàn ông nào cũng sợ nơi phụ nữ. Cuối cùng, anh đúc kết 4 phạm trù cơ bản là công, dung, ngôn, hạnh để góp phần làm nên người phụ nữ "hai giỏi" ở bất kỳ thời nào đi nữa là luôn cần, và điều quan trọng là tùy thời cuộc, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà người phụ nữ biết ứng biến để phù hợp với cuộc sống.
Đặc biệt nhiều khách mời bị thu hút bởi câu chuyện của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng khi anh tâm sự nhiều năm qua, cha anh chưa từng lỡ bữa cơm nào của gia đình. Anh chia sẻ dù các thành viên trong nhà bận rộn nhưng chiều về, mọi người đều có gắng có mặt đông đủ để dùng bữa cùng nhau. Theo sự phân công của mẹ, anh em nam ca sĩ thường thay phiên nhau giúp mẹ nấu cơm, rửa bát... Đồng thời anh cũng bộc bạch, bản thân rất sợ khi phải chứng kiến mẹ khóc.
Bình luận (0)