Cảm động tình yêu tuổi xế chiều trong 'Mình ơi, xin đừng qua sông'

Cảm động tình yêu tuổi xế chiều trong 'Mình ơi, xin đừng qua sông'

P.C.Tùng
P.C.Tùng
16/08/2020 18:59 GMT+7

Nếu ai đã từng xúc động hay sụt sùi nước mắt khi xem bộ phim Điều ba mẹ chưa kể chiếu rạp cách đây khoảng một năm, thì đừng nên bỏ qua Mình ơi, xin đừng qua sông (tựa Anh: My love, don’t cross that river ).

My love, don’t cross that river (Mình ơi, xin đừng qua sông) là bộ phim tài liệu 86 phút của đạo diễn Hàn Quốc Ji Mo Young, kể về một uyên ương lớn tuổi có hơn 70 năm bên nhau, đã từng trở thành hiện tượng phòng vé Hàn Quốc, thu hút hàng triệu khán giả mọi lứa tuổi. Không chỉ lập kỷ lục doanh thu đối với một bộ phim tài liệu nội địa mà bộ phim còn gây chú ý tại nhiều nơi ở châu Á và Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, phim sẽ công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 21.8.

Poster phim

15 tháng ròng rã theo chân cặp vợ chồng tại Gangwon từ tháng 9.2012 và hoàn thành Mình ơi, xin đừng qua sông sau gần 2 năm, đạo diễn Jin Mo Young đã đem tới cái nhìn sâu sắc về tình yêu vĩnh cửu giữa ông Jo Byeong Man và bà Kang Kye Yeol.
Cưới nhau từ khi bà Kye Yeol 14 tuổi, cả hai có đến 12 người con nhưng 6 người trong số đó đã mất vì bệnh tật. Những người con còn lại đã từng đến thăm, chăm sóc và ở cạnh ông bà nhưng điều nhận lại chỉ là những cãi vả và áp lực về trách nhiệm và nghĩa vụ. Cứ thế, cặp vợ chồng già chọn sống cùng một chú chó trong căn nhà ở tỉnh Gangwon.

Cuộc hôn nhân lãng mạn dài 75 năm của ông Jo Byeong Man (98 tuổi) và bà Kang Kye Yeol (89 tuổi)

Ảnh: Lotte

Thời điểm đó, ông gần 100 tuổi, bị mất thính giác và mắc chứng khó thở khiến ông cảm thấy khó chịu. Bà đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, yêu đời. Tuổi cao sức yếu nhưng ở họ lại là hình ảnh của những đôi lứa mới vừa chớm nở yêu thương. Khi họ ở cạnh nhau, ông vẫn thường trao cho bà những ân cần nhỏ nhặt nhất mà đôi khi những cặp đôi còn trẻ khác chưa làm được. 

Gây tiếng vang và đoạt giải quốc tế 

My love, don’t cross that river là bộ phim tài liệu, độc lập tạo được nhiều tiếng vang cùng nhiều lời tán dương từ giới chuyên môn quốc tế. Bộ phim từng đạt giải thưởng Audience Award (giải Khán giả bình chọn) tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế DMZ.
Nhiều nhà bình luận đánh giá phim đã dùng từ “phi thường” để miêu tả câu chuyện tình yêu trọn vẹn của ông bà, bởi lẽ có ít ai đã yêu đến chừng ấy tháng năm vẫn còn có thể cho nhau những điều ngọt ngào nhỏ bé, trọn vẹn ấm áp. Hai cụ chưa từng cãi nhau, vì họ nhận ra chẳng còn nhiều thời gian dành cho nhau và vì thế họ cố gắng yêu thương và trân trọng nhau nhất có thể.

Câu thoại là lời hát dân ca gây xúc động trong phim: “Người yêu của em, đừng bỏ lại em một mình. Đừng băng qua con sông mà không có em theo cùng”.

Ảnh: Lotte

Tên phim lấy cảm hứng từ bài hát Gongmudohagi nói về một người chồng lo vợ sa sẩy nên đã băng qua sông thay cô. Trong phim này, ông cụ Jo đã nghĩ khác, ông tay trong tay với vợ mình để cả hai cùng nhau băng qua sông. Bối cảnh chính trong phim là ngôi nhà mà hai ông bà sống cũng gần một con sông. Họ từng xem việc trèo đèo lội suối là chuyện rất giản đơn lúc còn trẻ; cho đến khi tuổi già sức yếu, bản thân vụng về hơn, họ chỉ còn có thể đi dọc theo đôi bờ mà hoài niệm về những năm tháng của tuổi trẻ.
Trong bộ hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) tiệp màu với nhau, hai mái đầu bạc nắm tay đi dọc con đường đời. Mùa xuân hái hoa, mùa hè dạo chơi bên hồ, mùa đông vai kề vai nặn những người tuyết bằng đôi tay đã nhăn nheo và hơi thở khó nhọc. Cho đến khi bộ phim kết thúc, những hình ảnh đó vẫn khiến người xem chưa thôi thổn thức về một mối tình đẹp trải dài hơn 70 năm của My love, don’t cross that river (Mình ơi, xin đừng qua sông)Cụ ông Jo Byeong Man đã qua đời một thời gian sau khi phim hoàn thành, hiện chỉ còn mình cụ bà Kang Kye Yeol.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.