Đến tham dự buổi lễ khánh thành và triển lãm ảnh ở công viên Lam Sơn vừa mới đi vào hoạt động có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, hai Phó Chủ tịch UBND TP.HCM là ông Lê Thanh Liêm, ông Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo một số Sở, ban ngành cùa TP.
Quảng trường Lam Sơn là không gian công cộng được đặt ở phía trước và sau Nhà hát TP.HCM, cắt ngang qua đường Đồng Khởi nổi tiếng nằm tại Q.1. Quảng trường còn có nhiều tòa nhà xưa từng có giá trị lịch sử lâu đời như Hotel Continental và Hotel Caravelle. Thời Pháp thuộc, quảng trường trước Nhà hát có tên là Place Francis Garnier. Năm 1910, chính quyền Pháp còn dựng một bức tượng tưởng nhớ sĩ quan hải quân Francis Garnier đã chết tại Hà Nội vào ngày 21.12.1873. Từ năm 1935, phía sau nhà hát là Place Augustin Foray. Cho đến năm 1955 địa điểm này được đổi tên thành Quảng trường Lam Sơn. Năm 2017, phần quảng trường phía sau Nhà hát TP.HCM vẫn là bãi đậu xe rộng 800 m2, tới năm 2018, nhà chức trách mới quyết định biến nó thành khu vườn”.
Quang cảnh công viên Lam Sơn trước khi tháo dỡ làm phục vụ công trình xây dựng ga Nhà hát TP.HCM (tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên)
|
Để phục vụ cho công trình xây dựng ga Nhà hát TP.HCM (thuộc tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên), công viên Lam Sơn đã được tháo dỡ. Vì vậy, theo Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân: “Việc khôi phục nâng cấp hoàn chỉnh công viên với quy mô tương đương công viên hiện hữu trước đây – khoảng 2.200 m2, nhằm tăng giá trị cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố, tạo không gian kết nối liên tục giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ với Nhà hát TP.HCM, tạo thêm không gian cho các hoạt động triển lãm, tuyên truyền các hoạt động
văn hóa, chính trị, xã hội của TP.HCM... là vô cùng cần thiết. Đến nay, các đơn vị đã tập trung nhân lực, vật lực, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành công trình đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của UBND TP.HCM”.
Công viên Lam Sơn đi vào hoạt động tạo thêm không gian cho các hoạt động triển lãm, tuyên truyền các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội của TP.HCM
|
Toàn cảnh công viên Lam Sơn nhìn từ Nhà hát TP.HCM
|
Tại buổi lễ khánh thành Công viên Lam Sơn, ban tổ chức cũng trân trọng giới thiệu đến công chúng triển lãm với chủ đề:
“Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt”. Triển lãm trưng bày 100 bức ảnh giới thiệu khái quát hoàn cảnh lịch sử, các phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân ta diễn ra liên tục từ sau ngày thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 với đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, đưa cả nước đi lên, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ mùa xuân năm 1975.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm
|
Lãnh đạo TP.HCM cắt băng khai mạc triển lãm ảnh
|
Các bạn trẻ tham quan triển lãm ảnh “Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt”
|
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành công viên Lam Sơn và khai mạc triển lãm ảnh, ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh: "Sau ngày thống nhất, kế thừa, vận dụng, phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng tháng Tám và các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong
phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo tiền đề tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa... góp phần xây dựng đất nước ngày càng 'đàng hoàng hơn, to đẹp hơn' như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu".
Cùng với sự kiện khánh thành công viên Lam Sơn, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, TP.HCM cũng trưng bày triển lãm với chủ đề “Rạng rỡ non sông Việt Nam” (50 ảnh) và “TP.HCM cùng cả nước vươn tới tương lai” (70 ảnh) tại đường Đồng Khởi (phía trước Sở VH-TT, đối diện Công viên Chi Lăng, Q.1).
Bình luận (0)