‘Chim sơn ca đến trường’ - thông điệp của tình yêu thương dành cho trẻ

27/06/2021 16:00 GMT+7

Chim sơn ca đến trường là tập sách thứ 7 của nhà giáo , nhà văn Hồ Xuân Đà và đây là tập sách thứ 3 chị viết cho lứa tuổi thiếu nhi.

Nếu 6 tập trước được viết ở thể loại văn xuôi thì ở tập Chim sơn ca đến trường, Hồ Xuân Đà đem đến cho các em thiếu nhi những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên, gần gũi, nhưng cũng lắm bất ngờ và thú vị.
Làm thơ cho thiếu nhi đòi hỏi người viết phải hội đủ nhiều phẩm chất, nhiều yếu tố, kỹ năng… mà trước hết phải là người thực sự yêu thương con trẻ, hiểu được tâm lý trẻ thơ, có vốn sống phong phú cũng như khả năng quan sát, khám phá thế giới xung quanh, nắm được những đặc điểm, quy luật của thế giới tự nhiên và con người. Nhà thơ đặt mình trong thế giới ấy để nói hộ, để diễn tả những tình cảm cũng như sở thích, ước nguyện của các em. Vừa chân thực nhưng cũng có những tưởng tượng, thể hiện được sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện, vui tươi của trẻ. Tập thơ Chim sơn ca đến trường của Hồ Xuân Đà đã làm tốt những điều này.
Với Chim sơn ca đến trường, những suy nghĩ hồn nhiên, trong sáng, những tưởng tượng rất đỗi ngây thơ của trẻ lần lượt hiện lên sau mỗi dòng thơ. Từ việc rửa tay, ăn uống, vệ sinh, vui chơi, học tập ở trường... đến việc nhìn nhận và phát hiện ra thế giới cỏ cây, loài vật, những tín hiệu của đất trời... đều tạo nên bao bất ngờ, thắc mắc và cả sự ngỡ ngàng với trẻ. Trong mắt trẻ thơ, khi nhìn nắng cũng có cái đáng yêu của nó.
Nắng theo chân em/ Từ nhà ra ngõ/ Trải trên đồng cỏ/ Theo tận đến trường/ Nắng không chịu dừng/ Theo vào đến cửa/ Nắng bỗng đứng chờ/ Học sinh vào lớp... (Nắng)
Đôi lúc người lớn chúng ta phải suy ngẫm trước những liên tưởng, so sánh, ví von rất thông minh nhưng cũng vô cùng ngây thơ của trẻ. Bài Kiến làm bác sĩ, Con lạc đường, Chuột vượt đèn đỏ... dưới con mắt của trẻ con có thể là những liên tưởng rất đáng yêu và thú vị.
Kiến ở nhà một mình/ Nên buồn nhớ đến Bọ/ Gọi qua nhà mình chơi/ Bọ cả nể bạn đời/ Mang tấm thân mệt mỏi/ Kiến thấy vậy trổ tài / Để mình làm bác sĩ/ Thăm, khám bạn tỉ mỉ/ Như thầy thuốc chuyên môn/ Ống nghe mang theo luôn/ Cẩn thận dò nhiệt độ/ Trên khắp thân mình Bọ/ Chẩn đoán bạn sốt rồi/ Mau uống thuốc đi thôi/ Kiến ra kê đơn thuốc/ Bảo uống nước đun sôi... (Kiến làm bác sĩ)
Hồ Xuân Đà vốn là một nhà giáo với tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng yêu thương. Hơn nữa, chị lại là cô giáo dạy trẻ mầm non. Tất cả những điều đó đã tạo nên điều kiện thuận lợi nhất để nhà thơ Hồ Xuân Đà gửi gắm vào những vần thơ thiếu nhi của mình những sự chắt lọc nhất, khi chị viết ra từ chính trái tim yêu thương của mình.
Những hình ảnh gần gũi, những sự vật, sự việc quen thuộc được tái hiện qua thơ một cách tự nhiên, hồn hậu. Tâm lý của đứa trẻ một ngày xa mẹ đến trường đi học, dù ở đó có biết bao nhiêu điều mới lạ nhưng đứa trẻ con ấy vẫn mong chiều về với mẹ. Một ngày xa mẹ với con/ Dài như bóng cả của ông trăng tròn/ Một giờ con chạy lon ton/ Trên sân trường rộng to hơn sân nhà// Những giờ con đã đi qua/ Học ăn học nói biết bao nhiêu điều/ Xa mẹ nhớ thật là nhiều/ Con không biết tả vì yêu mẹ mà// Chiều về con ngóng trông xa/ Bao giờ mẹ đến con ra ôm liền/ Hôn lên vần trán mẹ hiền/ Mẹ ơi, con nhớ... nhưng mà học vui (Chiều về với mẹ).
Cô giáo Hồ Xuân Đà tiếp xúc hàng ngày với trẻ, từ việc dạy dỗ đến việc cho các em ăn uống và tất cả các sinh hoạt nên cô hiểu rõ tâm lý của trẻ. Vì quan sát và chứng kiến trực tiếp nên những gì cô viết sẽ dễ đi vào tâm hồn trẻ thơ hơn. Từng bước các em nhận biết và hiểu rõ hơn những thứ tồn tại quanh mình: cầu vồng, nắng, gió, mưa, bão, sóng biển, hoàng hôn, chị Hằng - chú Cuội, lớp học, bữa ăn, lời ru, mèo, kiến, đèn giao thông...
Thơ thiếu nhi của Hồ Xuân Đà luôn đặt ra những vấn đề có ý nghĩa, không chỉ giáo dục, bồi bổ, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em mà mỗi bài thơ là một bức thông điệp chị muốn gửi gắm và chia sẻ với mọi người. Ở trường cô giáo dạy/ Khi sử dụng khăn lau/ Chú ý việc ban đầu/ Hai bàn tay thật sạch/.../ Vệ sinh là phòng bệnh/ Sạch sẽ là bước đầu/ Một ngày như mọi ngày/ Bé luôn luôn ghi nhớ (Bé lau mặt)...
Khơi dậy trong lòng các em tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, chim muông và những động vật được nuôi dưỡng; giáo dục các em sự yêu kính ông bà, cha mẹ, anh, chị em, những người thân yêu, ruột thịt; kính trọng, lễ phép với thầy cô, người lớn tuổi; yêu thương, san sẻ giúp đỡ bạn bè là nội dung chủ đạo mà nhà thơ muốn gửi gắm qua tập thơ Chim sơn ca đến trường. Để Mai sau em khôn lớn/ Ký ức ngày bên cô/ Khi chim bay muôn hướng/ Vẫn nhớ về tuổi thơ (Bé đến trường).
Giữa lúc văn học thiếu nhi nước nhà đang khan hiếm, còn nhiều khoảng trống lớn cần lấp đầy thì tập thơ Chim sơn ca đến trường của Hồ Xuân Đà ra mắt là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.