Cơ hội nào cho nhạc Việt 'xuất khẩu'?

Ngọc An
Ngọc An
25/12/2019 06:00 GMT+7

Nền tảng số với những trang nhạc trực tuyến đang tạo cơ hội để ca sĩ trong nước dễ dàng tiếp cận với công chúng trên khắp thế giới .

Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu, nhạc Việt rất cần được đầu tư và xây dựng chiến lược bài bản.
Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều ca sĩ VN cùng với những sản phẩm âm nhạc được khán giả và truyền thông quốc tế chú ý.

Ca khúc VN cần có thêm bản tiếng Anh, được những nhà sản xuất nước ngoài phối lại, để dễ dàng phân phối trên thị trường quốc tế hơn

Bà LISA NGUYEN, chuyên gia marketing âm nhạc

Không thể không nhắc đến MV Hãy trao cho anh - sản phẩm đầu tiên Sơn Tùng M-TP hợp tác cùng rapper nổi tiếng người Mỹ Snoop Dogg. Chỉ sau 8 phút phát hành trên YouTube, MV đánh dấu sự trở lại của Sơn Tùng M-TP sau một thời gian vắng bóng đã cán mốc 1 triệu lượt xem. Không dừng lại ở đó, MV Hãy trao cho anh còn lọt vào top thịnh hành ở nhiều quốc gia như Canada, Hàn Quốc... Thậm chí, có thời điểm, MV này đứng ở vị trí thứ 14 trong top thịnh hành toàn cầu.
Sự thành công của MV Hãy trao cho anh đã được nhắc đến trong tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ). Sơn Tùng M-TP đã trở thành ca sĩ VN đầu tiên xuất hiện trên tạp chí âm nhạc danh tiếng này. Tiếp đó, tạp chí Billboard của Mỹ đã dành hẳn chuyên trang giới thiệu bài viết về ca sĩ Hà Lê, về hành trình từ một rapper trở thành ca sĩ, cùng dự án Trịnh Contemporary mà anh và các cộng sự đang thực hiện. Cách đây hơn 1 năm, album Tâm 9 của ca sĩ Mỹ Tâm đã trở thành hiện tượng của
V-Pop khi bất ngờ lọt vào top 10 bảng xếp hạng World albums (bảng xếp hạng những album âm nhạc quốc tế có doanh số cao nhất theo số liệu thống kê của Nielsen Music) của Billboard.
Cơ hội nào cho nhạc Việt “xuất khẩu” ?

Sơn Tùng M-TP hợp tác với rapper nổi tiếng thế giới Snoop Dogg trong MV Hãy trao cho anh

ảnh cắt từ clip

Cần có chiến lược cụ thể

Trong khi ca sĩ Việt vẫn còn ít tiếp cận với thị trường quốc tế, thì nhiều nghệ sĩ đang lên của thế giới đang tìm thị trường ở VN, nơi đang được đánh giá là có thị trường âm nhạc năng động. Nữ hoàng nhạc soul Thụy Điển Mapei vừa có chuyến lưu diễn tại VN, nằm trong dự án của Selam - tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển có nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa, ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó có việc đưa những nghệ sĩ hàng đầu, tài năng của Thụy Điển đến với công chúng thế giới
Việc ca sĩ phát hành sản phẩm trên những trang nhạc trực tuyến như iTunes, YouTube, Spotify, SoundCloud... đang giúp họ đưa âm nhạc của mình đến với số lượng khán giả đông đảo hơn và không có khoảng cách địa lý. Sản phẩm của ca sĩ Việt đã và đang nhận được sự quan tâm của công chúng và truyền thông nước ngoài. Dù vậy, đến giờ hầu hết các ca sĩ vẫn chủ yếu hoạt động âm nhạc trong nước, chứ chưa mở rộng thị trường ra nước ngoài một cách chuyên nghiệp.
“Thị trường âm nhạc VN đã có nhân tố tốt, nhưng để tiến xa hơn ra thị trường nước ngoài, ngoài việc tạo ra bản sắc riêng, chúng ta cần phải có một chiến lược tổng thể như nhiều quốc gia trên thế giới”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Ông Long cho rằng: “VN cần có chính sách đễ hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa xuất khẩu âm nhạc”.
Bà Lisa Nguyen, chuyên gia marketing âm nhạc, gợi ý một trong những cách để nghệ sĩ VN kết nối với khu vực và thế giới nhiều hơn là thông qua các dự án hợp tác. “Chẳng hạn ca khúc VN cần có thêm bản tiếng Anh, được những nhà sản xuất nước ngoài phối lại, để dễ dàng phân phối trên thị trường quốc tế hơn”, bà Lisa Nguyen nói. Ngoài ra, theo bà Lisa Nguyen, nghệ sĩ VN khi tham dự lễ hội âm nhạc ở khu vực hoặc quốc tế cần tìm đến một đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ để có thể xây dựng lực lượng người hâm mộ ở nước ngoài, chứ không đơn thuần chỉ tham gia một chuyến đi rồi trở về nước.

Bài học từ Hàn Quốc

Những chiến lược để thành công trong xuất khẩu âm nhạc của Hàn Quốc cũng được các chuyên gia cho rằng VN nên học hỏi. Theo số liệu của Korea Creative Content Agency (Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc), doanh thu từ việc xuất khẩu K-Pop trên toàn cầu vào năm 2016 đạt mức kỷ lục 4,7 tỉ USD. Trước đó, cuối những năm 1990, Hàn Quốc đã nhận thấy âm nhạc là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo mang lại nhiều lợi nhuận, nên đã thúc đẩy quảng bá K-Pop ra toàn cầu.
Các công ty giải trí đã lên kế hoạch bài bản và chuyên nghiệp xây dựng những mô hình nhóm nhạc với ngoại hình bắt mắt, có thể vừa hát vừa nhảy. Theo ông Jimmyn Parc, nhà nghiên cứu tại Trường Sciences Po Paris và Viện Nghiên cứu truyền thông thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), K-Pop hấp dẫn khán giả khắp toàn cầu với những giai điệu “dễ gây nghiện”. Để nghệ sĩ K-Pop chinh phục khán giả ở những quốc gia khác nhau, sẽ có những chiến lược được vạch ra. Chẳng hạn, khi nhóm nhạc Super Junior muốn chinh phục khán giả ở thị trường âm nhạc Latin, họ đã ngay lập tức ra mắt ca khúc Lo Siento trong đó có phần lời được viết bằng tiếng Tây Ban Nha… Về sức hút của nhóm nhạc BTS trên toàn thế giới, ông Jimmyn Parc lý giải: “Những ca khúc của BTS mang thông điệp đa dạng tích cực, lan tỏa. Những màn vũ đạo luôn được dàn dựng khác biệt. Các ca khúc của họ luôn có sự tiếp nối, tức là để nghe được bài tiếp theo cần phải nghe bài trước đó của họ. Đó là chiến lược xây dựng hình ảnh rất đặc biệt của BTS”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.