Con đường gian lao về đất anh hùng

13/07/2020 21:33 GMT+7

Quê tôi phía nam Sài Gòn, khởi thủy, toàn vùng vốn là rừng sình lầy ngập mặn. Trong Phủ biên tạp lục , Lê Quý Đôn viết: ‘Từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm nối nhau hàng ngàn dặm...'

Chỉ tới khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh nam kinh lược thì các thôn ấp vùng này mới chính thức trở thành những đơn vị hành chính thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn. Từ nội thành Sài Gòn về quê tôi xưa chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Có ai đó đã nói rằng: “Đường là lối con người đi mãi mà thành”. Thế nhưng con đường liên tỉnh về quê tôi thì khác; để có được những con đường thuở sơ khai, tổ tiên chúng tôi phải trầm mình dưới sình lầy cần mẫn móc từng gộp đất để đắp độ thành bờ…
Gần một thế kỷ, giao thông đường bộ quê tôi vẫn chỉ chính một con lộ Liên tỉnh 15 gần như độc đạo này. Nội tôi kể rằng: "Đây là con đường bộ đầu tiên nối nơi phồn hoa đô hội về các thôn Tân Quy Đông, Tân Thuận Tây, Long Kiểng, Long Thới, Long Thạnh, Nhơn Mỹ, Nhơn Ngãi, Phước Cơ, Phước Thới...".
Biết bao nhiêu thập kỷ, con đường cứ sáng khô, chiều ngập. Triều lên, nước cường dăng trắng. Cá tôm băng qua từng khúc đường ngập giỡn đùa với ánh trăng. Từng nhịp cánh cò xao xác vỗ cùng tiếng cuốc đêm khắc khoải trộn cùng tiếng bìm bịp trầm chìm trong sóng vỗ ì ùng. Các cụ xưa kể: ”Có những đêm khuya, giữa không gian quạnh vắng, từng đàn cá sấu cắn đuôi nhau trườn lên mặt đường để kiếm mồi. Thi thoảng, một chúa sơn lâm lừng lững trên đường, lúc ngửa cổ giỡn đùa cùng ánh trăng trời tãi xuống, lúc thanh thản soi mình khi gặp bến cô liêu … Rồi đêm qua, khi trời sáng rỡ: con đường lại hiện ra như thần thoại, mang trên mình lớp phù sa mịn mỏng như bột bánh. Dấu chân thú rừng, lốt trườn của cá qua một đêm dài đã xóa đi dấu tích của con người. Nhưng những người dân cần mẫn lại chuyền tay nhau từng vốc đá vá đường. Dấu chân của người lại in lên, dập xóa tất cả những gì thú rừng để lại …”
Con đường buổi sơ khai vươn trên sình lầy như thế. Năm qua năm, đời nối đời, đường như chiếc đòn gánh oằn õa của bà mẹ tảo tần, đảm lược đỡ nâng một bên là những vạt lúa vàng ươm, một bên là màu xanh bất tận của rừng phòng hộ.

Người dân đi bắt cua ở Rừng Sác, Cần Giờ

Ảnh: Tiểu Thiên

Người Pháp đô hộ, họ lập ra các kho, các cảng quan trọng dọc con sông Nhà Bè huyết mạch và con đường quê tôi cứ viền theo dòng sông trọng yếu từ biển chạy vào thành phố. Cũng từ đó, quê tôi trở thành nơi đầu sóng ngọn gió. Từ năm 1920, con đường này được mở mang thành chiến lược. Hàng loạt đồn bốt do địch dựng lên để khống chế: đồn Phú Mỹ, đồn Kho Muối, đồn Mương Chuối, bốt Bà Bướm …
Phong trào cách mạng dâng lên mạnh mẽ. Năm 1930, Xứ ủy Nam Kỳ cử đồng chí Châu Văn Ký về thành lập chi bộ Đảng bí mật đầu tiên trong vùng. Công hội đỏ ra đời. Tờ báo Thùng Dầu chính là tiếng nói đầu tiên của những người cộng sản, công nhân và nông dân yêu nước vùng Nhà Bè - Cần Giờ - Duyên Hải. Nhiều cán bộ, đảng viên trưởng thành, bám trụ tại đây như đồng chí Mười Thập (Nguyễn Thị Thập), Lê Văn Lương, Châu Ký, Hồng Châu, Ngọc Hân …
Con đường làm nhân chứng cho vô vàn sự kiện. Từng đoàn phụ nữ đầu trần, chân đất, áo bà ba hô vang khẩu hiệu biểu tình với bản yêu sách đòi cơm áo tự do và đòi thực thi nghiêm túc hiệp định Giơ-ne-vơ. Rồi những ngày tháng tang thương khi địch tổ chức những cuộc càn Tìm diệt, quét và giữ, hai gọng kềm với dã tâm đốt sạch, bắt sạch và phá sạch! Xe nhà binh nghiến trên đường, tàu chiến hú dưới sông, trực thăng quần đảo trên bầu trời. Tháng tháng, năm năm … tất cả chỉ nhằm biến quê tôi thành vùng trắng!
Nhưng, kẻ địch đã nhầm! Quê tôi vẫn bất khuất! một chiến khu Rừng Sác kiên cường và quê hương Hiệp Phước anh hùng với những chiến công như thần thoại…
Đất nước thống nhất con đường về quê tôi rợp bóng cờ bay.
Tuổi thơ chúng tôi, những buổi chân trần chạy trên lối sỏi đu theo tiếng leng keng của nhạc ngựa; những buổi nước duềnh móc con hà sình buộc dây tơ chuối thả ven bập dừa nước mang lên từng chú, từng chú bống dừa mụp mẫm, tiếng em gái reo vui trong tiếng sáo diều vi vút vọng về. Rồi anh em chúng tôi, đứa gái, đứa trai ì oạp lội sình lúc móc thòi lòi, lúc lượm những chú còng lửa lao xao… Ôi! Mẹ tôi! Con quên làm sao những bát canh còng với rau tập tàng và cá bống dừa đi cùng rau đắng đất mẹ lui cui chiên nấu, mẹ múc cho ăn rồi dặn phần cho chú Tám, anh Tư…từ chiến khu xẹt qua hay ai đó lỡ đường! Tất cả, những tưởng chỉ mới ngày hôm qua thôi, mẹ còn đứng bên rặng trâm bầu tóc trắng gió đưa mà mắt đắm nhìn về Rừng Sác. Những tưởng mới hôm kia đây, mẹ kể cho đàn con chúng tôi nghe sự tích Nhà Bè nước chảy chia đôi và những dòng xoáy phù sa trác tuyệt của dòng Lòng Tàu - Nhà Bè - Soài Rạp! Những tưởng mới hôm qua thôi, những câu chuyện ba tôi đêm đêm phập phù đèn chai, xuồng lá giữa mênh mông sóng duyềnh nơi ngã ba Đồng Tranh hi vọng câu lên những con cá chìa vôi mình dày, vàng óng –đặc sản có một không hai của vùng nước hòa trộn của 3 dòng lợ -mặn-ngọt thành chè hai chỉ quê tôi mới rõ nét nhất!...
Ngày tách huyện Nhà Bè để hình thành quận 7, ông Năm Sáng (Bí thư Huyện ủy Từ Văn Sáng) thở dài: “Cả huyện chúng tôi chỉ còn 7 cây số đường tráng dầu. Cái sự vượt khó bắt đầu!...”. Còn Chủ tịch huyện ông Hai Đường hạ quyết tâm rất… Nhà Bè rằng: “Huyện ta phấn đấu trong thời gian ngắn nhất để Nhà ra nhà, Bè ra bè!”.
Vâng! Từ 7 cây số đường nhựa cho đến nay những cung đường mịn mượt thênh thang mở ra có nơi tới cả chục làn xe tít tắp và lời của ông Hai Đường đã thành hiện thực từ rất lâu. Nhưng với bài viết này, tôi nghĩ đó là việc quốc kế dân sinh của các nhà kỹ trị và thiết kế xã hội. Là người dân, tôi chỉ muốn nói về con đường gắn chặt với từng nhịp thở của chúng tôi!
Có ai từng đi trên đường sẽ thấy: con đường sau mưa ráo hoảnh, nắng phổ lên từng ngọn cây, ô kính trong hơn và không gian phố xá sáng như tranh vẽ. Màu xanh quê tôi sau mưa sáng mịn đến lung linh. Trời xanh như vắt và giữa những quầng mây ánh lên cầu vồng bảy màu mà lạ sao cả tiếng ve gọi hè cũng xanh đến rộn ràng!
Những hàng cây viền theo con đường chỉ là me, phượng. Tuyệt diệu hơn chính là bằng lăng. Hoa bằng lăng quê tôi không tím sẫm như thường thấy ở Huế, Hội An, Đà Nẵng… mà trưng ra cái màu tím thoảng nhạt, tươi tắn và có những nét lãng phiêu. Ôi! Đã biết bao nhiêu mùa, tôi và bạn gái của mình sau mưa sóng bước tâm tình dưới những vòm me hoa trổ vàng và bằng lăng sum sê tím nhẹ! Và trong tĩnh lặng, chỉ cành lá rì rào, lặng nghe tim mình cùng đập, chúng tôi thì thầm cùng chung ước mơ hạnh phúc. Rồi, trên con đường này, chúng tôi sánh vai làm chú rể, cô dâu. Trên con đường này, vợ chồng bươn chải đi làm ăn và đưa đón cháu, con học hành. Nắng – mưa…sớm, tối, trưa, chiều…cảm ơn màu trời xanh như ngọc và nhớ mãi màu xanh lộc của me non, màu xanh đậm chắc của lá bằng lăng …cứ in theo mỗi buổi đi về!
Bởi, vốn nghèo và lam lũ bao đời, ruộng cấy một vụ còn sợ nhiễm mặn, gió rạp, sâu rầy, chúng tôi lo cái ăn chưa xong thì làm sao có thể tích lũy để xây nhà cao cửa rộng. Chỉ gần đây thôi, quê tôi mới trọn vẹn khái niệm: nhà xây! chứ đời ông đời cha đa phần chỉ là những căn nhỏ, cái chòi ốp lá toàn phần. Bao nhiêu năm vẫn chưa biết trồng cây gì cho thành kinh tế ngoài những vạt lúa mỗi năm một vụ cầm canh.

Đường Rừng Sác, Cần Giờ

Ảnh: Trần Thanh Bình

Đất nước mở cửa, quê tôi vụt trở thành một trong những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất nước. Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam năm 1991 ra đời có khả năng tiếp nhận đến 200 xí nghiệp lớn, nhỏ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến sản xuất và xuất khẩu. Nhà máy điện Hiệp Phước sừng sững hòa mạng với dòng điện quốc gia. Hàng loạt kho tàng bến bãi và cầu cảng hiện đại mọc lên bên dòng sông Lòng Tàu - Nhà Bè, Soài Rạp và Thị Vải. Rừng Sác không còn hoang sơ mà trở thành những tuyến điểm du lịch tuyệt vời. Con đường Nhà Bè – Cần Giờ xuyên Rừng Sác hoàn thành bằng tất cả quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Con đường mà trải qua 100 năm Pháp, 20 năm Mỹ thống trị trên quê hương chúng tôi đã không làm vì nền đất chân không, sình lầy và ngập mặn. Con đường nâng tầm du lịch sinh thái, nối Thành phố với huyện xa, nghèo, cách trở Cần Giờ. Song hơn hết, con đường như một lời khẳng định hùng hồn của quê tôi đã vươn mình ra biển!
Kìa! Dọc theo con đường quê tôi là Phú Mỹ Hưng –Một thành phố hiện đại, uy nghi, đáng sống nhất mọc lên giữa một vùng sình lầy, mòng muỗi bao đời phèn ngập. Đành rằng, trong cuộc chuyển đổi này có người hơn, kẻ thiệt; có vui, có buồn và thậm chí xung khắc nữa. Nhưng chung qui, với một vùng đất chỉ là phèn, thu nhập 1 vụ lúa với những vạt dừa nước kẹp vỉ lợp nhà lắt lay…vụt biến thành công viên, cầu đường, siêu thị, chung cư, biệt thự, văn phòng, nhà băng…với giá trị vài chục triệu đồng/m2 thì trước bàn thờ tổ tiên tôi cũng khấn rằng: Má, Tía, Ông, Bà…ơi, sự lột xác, đổi đời này cho vùng đất phía Nam thật là xứng đáng!
Quê tôi, sự phát triển hạ tầng, những tên mới như Phú Quí, Mỹ Hạnh, Hưng Thịnh, cầu Ánh Sao, Đức Khải, Nam Long…nổi lên bên cạnh những địa danh một thời oanh liệt, gian nan ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh cách mạng như Tắc Cây Mắm, Hiệp Phước, Long Phú Tây, Long Đước, Sóc Vàm, Phước Vĩnh Đông … còn đó, mãi mãi xanh tươi cùng ý nghĩa thời đại và thời sự.
Gần kề bên kia, chiếc cầu treo dây văng Phú Mỹ đã nối hai bờ đông và tây sông Sài Gòn nối bắc Nhà Bè, nam Bình Chánh. Chắc chắn, một ngày không xa nữa, một chiếc cầu hùng vĩ sẽ vượt sông Soài Rạp gối vào đường Rừng Sác Cần Giờ.
Lòng người và tình người, xưa các má, các chị với nồi cháo cá cho khách lỡ độ đường thì hôm nay, dọc con đường quê tôi thi thoảng lại thấy một bình nước lọc miễn phí và tuyệt vời hơn: một quầy quần áo cũ ai có mang đến và ai cần cứ lấy đi!
Sự phát triển hạ tầng nhanh mạnh khiến con đường quê tôi như trở thành nhỏ bé, chật chội. Nhưng ý nghĩa thời đại và bối cảnh lịch sử của nó gắn liền với công cuộc khai phá, dựng nước và giữ nước.
Ôi! Chỉ mấy chục năm, con đường quê tôi - Chiếc đòn gánh của mẹ nay như mọc những cánh tay vươn dài theo các ngả đường: Đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, Hiệp Phước…ôm lấy những vùng đất xa ngái …biến nó thành phố xá phồn vinh.
Con đường đậm sậm tình tuổi thơ tôi!
Con đường chứng kiến cả từng nét vui, nét buồn và giận lẫy của người bạn gái tôi yêu!
Con đường vợ chồng tôi bươn chải sớm chiều đi về dù mưa, dù gió, dù nước lớn, nước ròng…
Trên con đường này, vợ chồng tôi đưa tiễn những đứa con vào đại học, lên giảng đường, vô xí nghiệp…với tất cả kỳ vọng đổi đời.
Bây giờ đây, mỗi buổi cuối tuần, hai mái đầu già bạc của vợ chồng tôi vẫn đứng bên đường ngóng chiếc xe buýt màu xanh chạy lại, hi vọng trên xe bước xuống là con, là cháu thân yêu của mình…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.