Đường mang tên Đức Tả quân Lê Văn Duyệt kéo dài từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Trong báo cáo với HĐND TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở VH -TT TP.HCM có trình bày rõ việc tiếp nhận ý kiến của Hội Di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa, Hội Khoa học lịch sử TP trước khi trình UBND và HĐND TP.HCM; đồng thời tham khảo ý kiến Hội đồng đặt tên đường TP trước khi có văn bản đề xuất.
|
Bản kiến nghị của ông Trần Văn Sung - Phó ban quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cũng nêu các lý do về việc cần đổi tên cho đoạn đường này: “Trước tiên, đó là xét công lao to lớn của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với người dân miền Nam. Thứ hai, di tích và phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt là di tích quốc gia nằm ngay trên trục đường này. Thứ ba, theo Điều 5 Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP) thì đường Đinh Tiên Hoàng trùng tên ở nhiều quận, huyện khác nhau (ở Q.1, Q.9, Q.Bình Thạnh) và ngay trong chính Q.Bình Thạnh cũng trùng, khi có Đinh Tiên Hoàng lẫn Đinh Bộ Lĩnh”.
Cũng theo ông Trần Văn Sung, hiện nay ở khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cũng có các đường mang tên các vị quan trong triều Nguyễn như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Bùi Hữu Nghĩa… Vì vậy, nếu đặt tên đường Lê Văn Duyệt sẽ tạo thành một cụm trong khu vực để người dân dễ nhớ, dễ tìm. Ngoài ra, đường Đinh Tiên Hoàng hiện tại nằm trọn trong P.1 và P.3 thuộc Q.Bình Thạnh, do đó nếu có thay đổi thành đường Lê Văn Duyệt thì số nhà trên đường này vẫn được giữ nguyên.
|
Vì vậy, trên cơ sở các nghiên cứu về công lao của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, Sở VH - TT TP.HCM cho rằng việc đặt tên Tả quân Lê Văn Duyệt cho đường bên cạnh di tích lăng hiện nay là hợp lý. Hiện đã có nhiều tỉnh, thành có đường mang tên Đức Tả quân Lê Văn Duyệt như: Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương, An Giang, Bình Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai..., trong khi TP.HCM chưa có con đường nào mang tên ông.
Được biết, Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) là nhân vật lịch sử đặc biệt, một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn. Vùng đất phương Nam ghi dấu công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt. Ông đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu của chính quyền vương triều Nguyễn. Từ một thái giám, ông theo chúa Nguyễn Ánh tham gia xây dựng lực lượng ở Gia Định (1790 - 1802), rồi làm Tổng trấn thành Gia Định 2 lần (1813 - 1816 và 1820 -1832) có uy tín và được dân yêu kính. Khi mất, ông còn được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo. Lăng của ông được xây dựng theo biểu thức của ngôi mộ dành cho công thần bậc nhất lúc bấy giờ ở Nam Bộ và trở thành công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng giá trị, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1988.
|
Chia sẻ niềm vui với PV Thanh Niên về việc các đại biểu HĐND TP.HCM khóa 9 nhanh chóng thông qua nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đổi tên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng để mang tên Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, ông Huỳnh Thanh Nhân nói: “Chúng tôi rất mừng vì sự đồng thuận của mọi người cho việc làm ý nghĩa này để cùng tỏ lòng biết ơn với các tiền nhân. Thời gian tới, Sở VH -TT TP.HCM sẽ nhanh chóng thực hiện gắn biển tên đường Lê Văn Duyệt ngay sau khi HĐND TP.HCM ra nghị quyết và nhận được văn bản chỉ đạo từ UBND TP.HCM”.
Bình luận (0)