Lúng túng quyền sở hữu
Thời gian qua, dư luận xôn xao trước việc 3 bộ phim Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Vũ điệu đam mê được chiếu trên kênh Netflix nhưng nhà làm phim và cơ quan chức năng không hề biết về quá trình mua bán bản quyền, dù đây đều là “phim nhà nước”. Trả lời Thanh Niên vào thời điểm ngày 9.12, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), còn cho rằng những phim được nhà nước đầu tư kinh phí như 3 tác phẩm trên đều thuộc sở hữu nhà nước, mà cụ thể là Bộ VH-TT-DL. Vì vậy, các bộ phim này phải nhận được sự đồng ý của Bộ mới được phép cung cấp cho nhà phát hành trong hay ngoài nước.
Tuy nhiên, trong giấy phép phổ biến của 3 phim này (đều do Cục Điện ảnh cấp) ghi rõ chủ sở hữu cụ thể, chứ không phải là “nhà nước” chung chung. Theo đó, các phim thuộc quyền sở hữu của Hãng phim truyện Việt Nam, sau cổ phần hóa đổi thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (VFS), và đều có phạm vi được phép phổ biến rộng rãi cho mọi đối tượng trong và ngoài nước.
Cụ thể, giấy phép phim Vũ điệu đam mê cấp năm 2010, do Cục trưởng Cục Điện ảnh khi đó là ông Lại Văn Sinh ký, ghi rõ: “Chủ sở hữu bản quyền: Hãng phim truyện Việt Nam”. Giấy phép phổ biến phim Mùi cỏ cháy cấp năm 2011, do Phó cục trưởng Ngô Phương Lan ký, ghi: “Chủ sở hữu bản quyền: Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam”. Giấy phép phổ biến phim Những người viết huyền thoại cấp 2013, do Cục trưởng Ngô Phương Lan ký, ghi: “Chủ sở hữu bản quyền: Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam”.
Những thông tin này được ông Vi Kiến Thành xác nhận là chính xác. Ngày 19.12, ông cũng xác nhận với Thanh Niên rằng hiện ông không chắc về việc để chiếu những bộ phim này có cần sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL hay không. Do đó, ông đang chờ Thanh tra Bộ VH-TT-DL đưa ra kết luận sau khi rà soát chuyện chuyển giao bản quyền và chủ sở hữu tài sản khi hãng phim được cổ phần hóa. Như vậy, quan điểm của ông Thành đã có thay đổi so với khẳng định muốn chiếu phải xin phép Bộ VH-TT-DL trước đây.
“Giờ phút này tôi cũng chưa biết chủ sở hữu của các phim này là đơn vị nào. Tôi cũng không có thông tin hãng phim có nộp tiền về cho nhà nước hay không. Trong hãng này hiện vẫn có cổ phần của nhà nước và giờ này tôi cũng chưa biết hợp đồng diễn ra thế nào. Chính vì thế, tôi mới đề nghị thanh tra bộ vào cuộc”, Cục trưởng Thành nói và cho biết, cuộc họp với sự tham gia của Thanh tra Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh và VFS sẽ diễn ra vào 22.12.
“Nhà nước cũng được hưởng”
Về phần mình, Chủ tịch HĐQT VFS Nguyễn Danh Thắng cho biết đơn vị của ông đã hợp tác với Công ty TNHH Tfilm Studio để đưa phim lên Netflix. Đây cũng không phải hợp đồng “bán đứt” cho TFilm khai thác độc quyền mà chỉ cho khai thác trong một thời gian nhất định. “TFilm đã trả tiền đầy đủ cho việc sử dụng phim này”, theo ông Thắng.
Ông Thắng cũng khẳng định quyền sở hữu các tác phẩm này của VFS. “Thứ nhất, VFS kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của Hãng phim truyện Việt Nam. Thứ hai, các bộ phim đều được Cục Điện ảnh cấp phép, ghi rất rõ Hãng phim truyện Việt Nam là chủ sở hữu bản quyền. Phim cũng được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước. Thứ nữa, các bộ phim khi xác định cổ phần hóa cũng đã tính giá trị để bàn giao sang công ty cổ phần. Quyền sở hữu bản quyền của chúng tôi là vô cùng rõ ràng”, ông nói.
Theo ông Trần Minh Đức, chuyên gia pháp lý của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, về nguyên tắc, công ty nhà nước đã cổ phần hóa sẽ hoạt động như một doanh nghiệp bình thường. Trong trường hợp cổ phần hóa mà nhà nước không nắm trên 50%, đơn vị đó cũng không còn là cơ quan hay đơn vị sự nghiệp của nhà nước nữa. “Phim đó ngày xưa của nhà nước, còn bây giờ cổ phần hóa rồi, nó là tài sản của hãng. Vì nhà nước vẫn còn vốn nên họ vẫn được hưởng lợi nhuận từ phim theo luật điều chỉnh, hoặc theo quy chế của hãng”, ông Đức nói. Tương tự, ông Thắng khẳng định: “Trong VFS vẫn có vốn nhà nước 28%. Khi tiền của phim về thì nhà nước vẫn được hưởng một phần. Cái đó là theo quy định pháp luật doanh nghiệp”.
Ông Vi Kiến Thành cho biết về việc một số kênh trên YouTube đang chiếu các phim của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, nếu chiếu và có đặt quảng cáo mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu phim thì không đúng pháp luật. Theo ông Nguyễn Danh Thắng, VFS hiện không hề cho phép cá nhân nào khai thác phim của mình trên YouTube. Ông cũng chưa có thông tin về việc có một số kênh YouTube đang chiếu phim của Hãng phim truyện Việt Nam. “Chúng tôi có kết hợp với Công ty BH Media để đưa các bộ phim của hãng trước đây đã sản xuất lên. Chúng tôi không có thỏa thuận nào với cá nhân cả”, ông khẳng định.
|
Bình luận (0)