Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: Từ cuộc khảo sát cao nguyên trên lưng ngựa

01/03/2021 06:52 GMT+7

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên - cây bút khảo cứu văn hóa Đà Lạt - vừa công bố tập biên khảo Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (NXB Trẻ ấn hành đầu năm 2021).

Trong đó, lịch sử văn hóa, bản sắc Đà Lạt được tác giả xâu chuỗi, tái hiện thông qua những cuộc kỳ ngộ. Thanh Niên xin trích lược đăng một số bài viết trong tác phẩm này.
Chuyến khảo sát cao nguyên Lang Bian ngắn ngủi vào hạ tuần tháng 3.1899 của Alexandre Yersin và Toàn quyền Paul Doumer là một dấu mốc quan trọng cho sự hình thành TP.Đà Lạt.

Gặp gỡ trong tầm nhìn

Ý tưởng về việc xây dựng một trạm điều dưỡng trên vùng cao nguyên do Paul Doumer khởi xướng từ khi ông vừa được biệt phái sang Đông Dương giữ chức quan Toàn quyền; thuộc khuôn khổ những kế hoạch lớn trong công cuộc kiến thiết thuộc địa. Mô hình này được gợi ý từ các trạm điều dưỡng vùng Shimla (Ấn Độ) do thực dân Anh xây dựng hay Bandung (Tây Java, Indonesia) do người Hà Lan khai sinh trước đó.
Với người Pháp, việc xây dựng trạm nghỉ dưỡng cũng nằm trong giải pháp phục hồi sức khỏe cho giống dân da trắng trước sự đe dọa của những bệnh nhiệt đới. Ngoài ra, người Pháp cũng cần một thành phố biệt lập kiểu châu Âu giúp nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.
Dự án xây dựng trạm nghỉ dưỡng (station sanitaire) trên cao nguyên Lang Bian do nhà thám hiểm Yersin đề xuất đã gây được chú ý bởi tính khả thi, một phần nhờ vị trí, độ cao và khí hậu của vùng đất này đủ tiêu chuẩn để tránh được các bệnh như sốt rét, vàng da.
Sau đề xuất của Alexandre Yersin, Toàn quyền Paul Doumer đã cử Đại úy Thouard dẫn một đoàn khảo sát tìm cách mở con đường nối cao nguyên Lang Bian với vùng duyên hải. Chuyến khảo sát kéo dài 11 tháng (tháng 10.1897 đến tháng 9.1898), phái đoàn này đề nghị làm tuyến đường xuyên thung lũng sông Đa Nhim, từ Lang Bian đến Phan Rang thay vì mở theo hướng về Nha Trang và một tuyến đường khác men thung lũng sông Đồng Nai lên Lang Bian để tránh các ngọn đèo cao.
Khi hướng về Lang Bian với một viễn cảnh khu điều dưỡng mà nhà thám hiểm, người hùng trong ngành vi trùng học Yersin gợi ra, quan điểm của Paul Doumer phóng chiếu niềm xác tín, hơn thế, là sự đồng cảm sâu sắc. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong những trang hồi ức của ông về chuyến đồng hành cùng Yersin vào cuối tháng 3.1899.

Chuyến khảo sát đầy mạo hiểm

Ở chuyến đi này, Toàn quyền Đông Dương cũng như những công chức Pháp tại Khánh Hòa đã bị ám ảnh bởi thú dữ. Ông viết về chuyến khảo sát trong cuốn hồi ký L’Indo-Chine française:
“Phần lớn thời gian hành trình, chúng tôi phải đi bộ và đôi khi phải giúp ngựa khỏi bị trượt trên những triền đá dốc cao. Ngài Công sứ mặc dù có nhiều phu khiêng kiệu dũng cảm, vẫn bị tụt lại phía sau. Bóng tối bất ngờ buông xuống. Chúng tôi cưỡi ngựa, bác sĩ Yersin, đại úy Langlois và tôi lúc này không còn quan tâm đến gì trừ hổ. Chúng tôi không rời nhau, vì trong bóng tối, và với hiểu biết hạn chế của chúng tôi về đường đất, chúng tôi hoàn toàn có thể bị lạc. Đi bộ cách khoảng ba, bốn cây số đằng sau nhóm chúng tôi là ngài Công sứ, ông ta vẫn không an tâm dù xung quanh là những phu khiêng kiệu và toán lính vệ binh. Ông cảm thấy lũ hổ đang lượn quanh, và tự nhủ rằng chính mình, vị công sứ tỉnh Nha Trang, đang bị đe dọa nhiều nhất. Và chúng tôi nghe thấy từ xa, trong sự yên tĩnh của đêm, tiếng nổ của những loạt súng được bắn để xua đuổi lũ thú dữ cách xa khỏi ngài Công sứ.
Không có hộ tống và cả những loạt súng, chúng tôi tới nơi vào khoảng 10 giờ tối, phấn khởi và đói ngấu, còn ngài Công sứ, được bảo vệ quá kỹ, phải một giờ sau mới tới nơi; ông ta còn chưa hoàn hồn, kiệt sức và không thể cùng quay về với chúng tôi vào ngày hôm sau”.
Chi tiết hơn, chuyến đi trên được bác sĩ, nhà thám hiểm Yersin viết trong hồi ức Premières reconnaissances du plateau du Langbian (Những ghi nhận đầu tiên về cao nguyên Langbian) đăng trên tờ Indochine năm 1942. Theo đó, Paul Doumer đến Cửa Nại (Ninh Chử, Phan Rang) bằng soái hạm Kersaint, còn Yersin cưỡi ngựa từ Nha Trang đến điểm được hẹn trước. Đoàn Doumer, Yersin và Đại úy Langlois, Công sứ Nha Trang và một người Việt đi đến Krong-Pha trong ngày. Họ nghỉ đêm ở chân núi Krong-Pha, hừng đông hôm sau thì họ đi lên núi theo đường mòn để đến Dran vào lúc 10 giờ. Sau đó, họ đi theo con đường nối các đỉnh núi từ Dran đến Lang Bian, tới nơi vào 10 giờ tối. Ngày hôm sau, cả đoàn đi Dankia. Tại đây, Yersin cùng Paul Doumer khảo sát một trạm thực nghiệm nông nghiệp. Đồng thời, Yersin trình bày, diễn giải với quan Toàn quyền về việc xây dựng một trạm điều dưỡng trong tương lai. Hôm sau, họ trở về Phan Rang, đi Ba Ngòi. Paul Doumer ở biển Ba Ngòi chờ soái hạm Kersaint đến đón, còn Yersin đi ngựa theo đường bộ về Nha Trang. Ngày 1.11 năm đó, Paul Doumer đặt bút ký một bản Nghị định thành lập Trạm điều dưỡng Lang Bian.
Theo biên khảo Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902): Bàn đạp thuộc địa của Amaury Lorin (Nguyễn Văn Trường dịch, NXB Thế giới, 2020), thì ngày 24.1.1901, sau một chuyến trở lại Lang Bian, Paul Doumer có gửi cho Albert Decrais - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa - một bức thư chia sẻ viễn kiến:
“Cao nguyên Lang Bian chứng kiến một cao trào xây dựng mới và nhiều dự án quan trọng đã được thông qua. Đà Lạt có vị trí ở một điểm tuyệt vời và hưởng điều kiện trong lành không thể chối cãi, cuối cùng đã được chọn làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng tương lai”. (Trích: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.