Đà Nẵng lan tỏa tinh thần thiện nguyện

21/05/2021 07:00 GMT+7

Chỉ mang tính tự phát nhưng thông qua các hoạt động ý nghĩa, các câu lạc bộ thiện nguyện ở Đà Nẵng đã góp phần lan tỏa truyền thống “ lá lành đùm lá rách ” của người dân Việt Nam.

Trong đợt dịch Covid-19 diễn ra ở TP. Đà Nẵng vừa qua, hàng loạt hoạt động thiện nguyện do các cá nhân, tổ chức thực hiện một cách không ngừng. Đơn cử gần đây nhất là trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tuy nhiên, với sự tham gia hỗ trợ của đông đảo các cá nhân, tổ chức đã góp phần giúp người dân miền Trung khắc phục hậu quả sau lũ lụt, đồng thời tiếp sức cho nhiều người trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thiện nguyện từ tâm

Dựa trên tinh thần “Ở đâu có khó khăn, ở đó có thiện nguyện”, nhiều cá nhân, hội nhóm thiện nguyện nối tiếp được thành lập. Một trong số đó là nhóm Đại Dương Xanh do chị Ngọc Linh (50 tuổi, ngụ Q.Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) làm nhóm trưởng. Nhóm của chị bắt đầu hoạt động từ thiện từ tháng 5.2020 sau đợt dịch Covid-19. Gần đây nhất, chị và nhóm Đại Dương Xanh có chuyến từ thiện ở H.Tây Giang để giúp đỡ các cụ già neo đơn. Chuyến đi gặp nhiều khó khăn vì thời tiết và địa hình không thuận lợi. Chị chia sẻ: “Nhà mỗi cụ cách nhau từ 5 đến 10 cây số và ở sát vách núi nên phải di chuyển bằng xe máy. Hôm đó trời mưa rất to, chúng tôi phải mặc áo mưa và buộc cả túi ni lông vào chân để đi vì bùn ngập lên tới đầu gối”. Ngoài ra, công tác chuẩn bị cũng có nhiều vất vả. Chị và các bạn tình nguyện viên phải mất rất nhiều thời gian để phân loại các nhu yếu phẩm như áo, quần, ba lô, mũ,…
“Tôi muốn gửi tặng những món đồ mà người nhận có thể sử dụng được. Ngoài ra còn phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể: gửi tặng quần áo ấm cho người dân vùng cao, sách vở và bút viết cho các điểm trường có học sinh khó khăn”, chị Linh nói.
Đối với chị Linh, người làm từ thiện phải bắt nguồn từ cái tâm và có niềm đam mê vô cùng lớn. Bằng sự đam mê, chị đã làm nhiều công việc để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động thiện nguyện của nhóm. Bởi tất cả các chuyến đi thiện nguyện đều xuất phát từ cá nhân mà không có sự kêu gọi hỗ trợ từ bất cứ tổ chức nào.

Lan tỏa hành động thiện nguyện bằng livestream

Từng là một người nhận cơm từ thiện trong thời gian khó khăn khi mới vào Sài Gòn lập nghiệp, chị Ấn Hạnh (27 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã nuôi dưỡng ước mơ làm từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn giống như mình.

Chị Hạnh trong chuyến đi từ thiện tại Quảng Bình

Ảnh: NVCC

Lần đầu làm từ thiện, với những đồng lương ít ỏi nên quy mô còn nhỏ chỉ với 10 hộp cơm. Chị đi tìm đến những người vô gia cư để giúp đỡ họ. Mặc dù rất vui nhưng chị cảm thấy vẫn chưa đủ và mình cần phải làm nhiều hơn nữa. Từ đó, chị tích góp và dần dần mở rộng quầy cơm từ thiện của mình. Cho đến nay, chị đã làm từ thiện được 5 năm và thực hiện nhiều chuyến đi thiện nguyện ý nghĩa.
“Hằng tháng, ngoài việc phát cơm và gạo tại nhà vào mùng 1 và 15 âm lịch, mình cũng thường đến các bệnh viện ung bướu, bệnh viện nhi, bệnh viện phụ sản… để trao quà, phát cơm và cháo”, chị cho biết. Mỗi chuyến thiện nguyện, chị Hạnh chuẩn bị từ 100 - 200 suất ăn hoặc quà. Mọi kinh phí đều được trích từ nguồn thu nhập cá nhân của gia đình. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chị đã tới từng xóm trọ phát cơm và mì tôm cho các sinh viên nghèo bị mắc kẹt ở Đà Nẵng. Chị cũng tự tổ chức chuyến từ thiện ở Quảng Bình để hỗ trợ người dân lũ lụt miền Trung. Khó khăn lớn nhất của chị là con nhỏ, tuy nhiên nhờ sự ủng hộ của gia đình chị vẫn có thể sắp xếp ổn thỏa công việc để tiếp tục các chuyến từ thiện của mình.
Về lý do làm từ thiện cá nhân mà không kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều người, chị Hạnh tâm sự: “Tiền của mình, mình muốn làm từ thiện như thế nào cũng được, còn nếu nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài thì mình phải rõ ràng, đôi lúc còn bị chỉ trích nếu như không thực hiện theo đúng ý của người khác”. Đối với chị, vật chất không phải là tất cả, điều quan trọng là tình người, là sự đồng cảm và lan tỏa yêu thương đến mọi người. “Khi mất đi, mình cũng không thể mang theo tiền tài, vật chất được. Cái mình lưu lại là công đức mà mình tích góp từ chính những hành động ý nghĩa này”, chị nói.
Gần đây, chị đang thực hiện một kế hoạch livestream bán hàng gây quỹ. Tất cả số tiền kiếm được từ việc bán hàng thông qua livestream đều được sử dụng vào mục đích từ thiện. Đây là một ý tưởng hay mà chị đã ấp ủ từ rất lâu và đến bây giờ mới có thể thực hiện được. Nhân cơ hội này, chị Hạnh mong muốn trở thành con thuyền chở công đức của khách hàng đến với những người khó khăn.
Không chỉ riêng chị Linh và chị Hạnh mà còn rất nhiều những cá nhân, tổ chức luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những hành động tốt đẹp này mang ý nghĩa to lớn trong việc lan tỏa tinh thần thiện nguyện, san sẻ yêu thương. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.