Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng sự máy móc khi soạn thảo và thực hiện chính sách đã dẫn đến việc nghệ sĩ Hồng Đăng được nhận trợ cấp nghệ sĩ khó khăn do Covid-19.
“Sự việc của Hồng Đăng cho thấy sự máy móc trong xây dựng chính sách và thực hiện chính sách. Cả đề xuất lẫn thực hiện chính sách của ngành văn hóa đều có vấn đề khi nghệ sĩ Hồng Đăng được nhận hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do Covid-19”, ông Sơn nói.
Chính sách trợ cấp nghệ sĩ này này vốn hướng tới những nghệ sĩ gặp khó khăn do mất việc vì dịch bệnh. Trong khi đó, nam diễn viên này có đời sống vật chất thuộc diện "có của ăn của để". Hồng Đăng (Nhà hát kịch Hà Nội) sở hữu bất động sản có giá trị cũng như bộ sưu tập xe nhiều người ngưỡng mộ.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng không nên chỉ xoáy vào câu chuyện của cá nhân diễn viên Hồng Đăng mà cần rút ra kinh nghiệm từ câu chuyện này. Theo ông Sơn, điều có thể thấy là: “Chúng ta ban hành chính sách bằng cái nhìn từ bàn giấy để xử lý sự đa dạng trong cuộc sống. Như thế thì người ta mới nghĩ ra câu chuyện cứ là lương thấp có nghĩa là thu nhập thấp, cứ nghĩ lương thấp sẽ là đối tượng khó khăn mà không hiểu được rằng thực tế cuộc sống đa dạng hơn thế rất nhiều. Mọi chính sách phải bắt đầu bằng thực tiễn”.
Theo ông Sơn, "vụ việc" của Hồng Đăng cũng cho thấy gói cứu trợ của nhà nước người cần cứu trợ lại không được nhận. Trong khi đó, có người nhận cảm thấy xấu hổ khi được nhận tiền cứu trợ trong khi người khác khó khăn hơn. “Những nhân viên ánh sáng, âm thanh chẳng hạn. Nhiều người trong số họ rất nghèo nhưng lại không phải đối tượng nhận cứu trợ này”, ông Sơn nói.
Cũng theo vị đại biểu chuyên trách, quá trình thực hiện trợ cấp nghệ sĩ cho thấy sự quan liêu của các cơ quan hành chính liên quan. “Sự quan liêu của các cơ quan hành chính thể hiện ở chỗ họ cứ lên danh sách lương thấp đẩy lên trên mà không biết có người lương thấp mà thu nhập cao. Lỗi này cả ở nhà hát, cả ở Sở. Nhà hát có thể đã không để ý lắm đến việc trợ cấp, họ bê nguyên danh sách diễn viên bâc lương hạng 4 mà không biết đó là chính sách cho người nghèo, gặp khó khăn chứ không phải chuyện hạng 4”, ông nói.
Cách giải quyết vấn đề tốt nhất bây giờ, theo ông Sơn, là rà soát lại các danh sách hỗ trợ để việc hỗ trợ đúng người cần. Ngành văn hóa cũng cần xem xét và đề xuất sửa đổi chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp với thực tế.
“Chính sách sau khi thực hiện một thời gian sẽ cho thấy cái gì chưa phù hợp và chúng ta sẽ đề xuất điều chỉnh. Thực tế mới là thước đo tốt nhất cho chính sách. Bộ VH-TT-DL cần xem lại và đề xuất điều chỉnh chính sách đã dẫn đến việc trợ cấp nghệ sĩ khó khăn vì Covid-19 cho diễn viên Hồng Đăng”, ông Sơn nói.
Bình luận (0)