Địa phương 'ém', không báo cáo thông tin vụ cầu xuyên lõi di sản Tràng An?

07/03/2018 16:46 GMT+7

Cầu xuyên lõi di sản UNESCO Tràng An đã bị lập biên bản từ tháng 8.2017, nhưng không một báo cáo nào được gửi về Tổng cục Du lịch, cũng như Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL).

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, khẳng định việc xâm hại di sản UNESCO Tràng An đã rõ. Cây cầu hơn nghìn mét do Công ty du lịch Tràng An xây dựng đã đâm xuyên qua vùng lõi của di sản này.
Cũng theo ông Phúc, theo phân cấp quản lý hiện nay, di sản Tràng An được UBND tỉnh Ninh Bình giao Ban Quản lý danh thắng Tràng An, thuộc Sở Du lịch Ninh Bình, quản lý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có quyết định số 83, giao huyện Hoa Lư quản lý về việc xây dựng tạm thời tại vùng di sản.
Như vậy, có thể thấy, Sở Du lịch Ninh Bình có trách nhiệm quản lý di sản này. Việc xâm hại di sản đã bị lập biên bản từ tháng 8.2017. Mặc dù vậy, trong báo cáo tổng kết năm của Sở này lên Tổng cục Du lịch cũng như Bộ VH-TT-DL không hề nhắc đến việc di sản đang bị một cây cầu đâm xuyên qua lõi.
[VIDEO] Cận cảnh cây cầu khổng lồ xâm hại Tràng An - di sản thế giới
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết Tổng cục Du lịch không hề nhận được văn bản nào từ Sở Du lịch Ninh Bình báo cáo gì về vụ việc này. Tương tự, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, cũng cho hay không hề nhận được văn bản báo cáo nào từ phía Sở Du lịch Ninh Bình về vụ việc.
Ông Phúc cũng cho biết bản thân ông nhận được thông tin di sản Tràng An bị xâm hại là do các phản ánh từ báo chí, chứ không phải từ báo cáo của địa phương.
Trả lời câu hỏi tại sao từ khi phát hiện và lập biên bản vụ việc cho đến trước khi đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL về kiểm tra và yêu cầu báo cáo, Sở Du lịch Ninh Bình không báo cáo Bộ về vụ việc, ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình xác nhận trong thời gian nêu trên Sở này chưa có lần nào báo cáo vụ việc đến Bộ, cũng như Tổng cục Du lịch và Cục Di sản. “Chúng tôi mới chỉ báo cáo trong phạm vi tỉnh thôi. Chúng tôi cũng có chỉ đạo nhưng thực ra trong thời điểm tranh tối tranh sáng, thời điểm giáp tết nên huyện chưa xử lý quyết liệt”, ông Mạnh nói.
Từ tháng 8.2017, tuy không được cấp phép, Công ty cổ phần du lịch Tràng An (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), đã huy động người, máy móc khoan đục núi Cái Hạ, trong vùng lõi của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Công ty này xây dựng 2.234 bậc thang, dài 1.115 m bằng bê tông từ chân núi lên đỉnh núi Cái Hạ, và tự đặt tên gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ, nơi vua lập đàn Kính Thiên.
Không chỉ xuyên qua di sản hỗn hợp danh thắng Tràng An mà UNESCO công nhận, các bậc thang cũng xuyên qua không gian của rừng đặc dụng đã được giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) quản lý. Ngoài xây dựng công trình trái phép, Công ty  còn kinh doanh thuyền chở khách, thu vé 45.000 đồng/người và phát hành đĩa phim tư liệu khi chưa được cấp phép.
Ngày 6.3, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có công điện về việc tập trung xử lý sai phạm xây dựng trong quần thể danh thắng Tràng An, đồng thời, quyết định thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật của Công ty Cổ phần du lịch Tràng An.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.