Giã biệt nhà thơ kỳ dị Nguyễn Đức Sơn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
11/06/2020 14:33 GMT+7

Sáng 11.6, tin buồn về sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, một trong tứ trụ thi ca của miền Nam trước đây, đã khiến giới văn chương và những độc giả yêu mến ông ngỡ ngàng.

Trên trang cá nhân, nhà thơ – nhà báo Lý Đợi bùi ngùi: “Có lẽ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (18.11.1937 - 11.6.2020) là một trong vài nhà thơ kỳ dị và quyến rũ bậc nhất của Việt Nam thời hiện đại. Ví dụ như trong bài Cây bông,  ông viết: “Cây bông/hắn không/lao động/ai trồng/chật chỗ/mày nhổ/xem sao/máu trào/thiên cổ”.
Cũng theo tác giả Lý Đợi: “Ở một khía cạnh khác, có lẽ cũng là đặc biệt nhất, hiếm nhà thơ nào của Việt Nam viết về tâm lý tính dục của những đứa con trai tuổi dậy thì, mới lớn hay và thật hơn Nguyễn Đức Sơn. Điều này có thể nhận thấy rất rõ qua tập thơ Đêm nguyệt động (NXB An Tiêm, 1967). Nhưng hôm nay tạm biệt ông, nên sẽ trở lại đề tài này trong một dịp rất gần đây. “Đời sau người có thương ta/Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi/Đường xa thôi miễn bồi hồi/Mả hoang nhảy đại lên ngồi đi cha” (Nhắn, Nguyễn Đức Sơn)”. Còn nhà văn Dạ Ngân thì gửi đến nhà thơ vài câu ngắn gọn: “Chào Ngọn Núi Lớn. Ông đi rồi ông lại về”.

Chân dung nhà thơ kỳ dị và khắc khổ

Ảnh: FB Nguyễn Đăng Khoa

Được biết, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18.11.1937 tại H.Thanh Hải (Ninh Thuận), nhưng quê gốc của ông là ở Thừa Thiên-Huế. Ông làm thơ từ sớm với bút danh Sao Trên Rừng và xuất hiện trong giới văn nghệ sĩ như là một người có kiểu cách khác người. Vì vậy, Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được coi là ba kỳ nhân nổi danh về tài năng và sự quái dị trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975, đồng thời cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam trước đây (ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên).
Cuộc đời nhà thơ lưu lạc qua nhiều vùng đất: Phan Rang, Sài Gòn, Thủ Dầu Một - Bình Dương, B'lao – Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học, viết văn, viết báo. Năm 1967, ông lấy bà Nguyễn Thị Phượng bằng đám cưới tổ chức tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) và sinh được 9 người con. Năm 1979, ông cùng gia đình chuyển lên sống trên Phương Bối (Lâm Đồng), chọn cách sống tĩnh tâm với núi rừng.

Góc nhìn bất ngờ của nhà thơ chung quanh lĩnh vực lạc thú 

Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ thêm về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn: “Trong quá trình từ những năm 20 tuổi, tìm đọc lại những gì hay đẹp của nền văn học đô thị miền Nam cũ, Nguyễn Đức Sơn thật sự là cái tên làm tôi ấn tượng và băn khoăn. Khi phần đông văn giới trình bày sản phẩm nghệ thuật ở phần đâu đó hoành tráng, trang nghiêm, tinh tuệ thì ông Nguyễn Đức Sơn lại nổi bật bởi những bài thơ hồng hoang, gây thú vị bởi những quan sát và góc nhìn bất ngờ chung quanh lĩnh vực lạc thú và những gì gọi là cấm kỵ”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không chỉ làm thơ hay, cuộc đời kỳ dị mà ông còn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông vì trồng tới hàng vạn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối (Lâm Đồng) nên còn có biệt danh Sơn Núi

Nhà văn Bửu Ý thì nhận xét: “Nguyễn Ðức Sơn lao về những đích đến nhiều khi không định hướng bởi sự thôi thúc nào đó. Với người, ông cáu kỉnh gây sự, không lý gì đến bạn mà cũng chẳng ngại ngùng gì với thù, nói và viết theo ý riêng mình kiểu của một kẻ quen sống đơn độc. Nhưng với thiên nhiên thì mở lòng ra, thoải mái thong dong ở những vùng biển, vùng núi của những quá khứ đã qua, của những mơ ước đã có, hằng hiện hữu…". 

Bìa tập thơ Đêm Nguyệt động

Ảnh: FB nhà báo Lý Đợi

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không chỉ làm thơ hay, sống cuộc đời kỳ dị mà ông còn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông vì trồng tới hàng vạn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối (Lâm Đồng) rộng tới hàng chục héc-ta nên còn có biệt danh Sơn Núi.
Sơn Núi giã từ cõi tạm ở tuổi 83, để lại ở trần gian 3 tập truyện ngắn: Cát bụi mệt mỏi (An Tiêm, 1968), Cái chuồng khỉ (An Tiêm, 1969), Xóm chuồng ngựa (An Tiêm, 1971) và một số tuyển tập thơ: Hoa cô độc (1965) Bọt nước (1966), Lời ru (1966), Đêm nguyệt động (1967), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), 2 tập thơ cuối cùng là Tịnh khẩuDu sĩ ca (An Tiêm, 1973) cùng tập Ngồi đợi ngoài hành lang vẫn đang dang dở.
Linh cữu nhà thơ Nguyễn Đức Sơn hiện quàn tại nhà riêng ở tổ 9, thôn 2, xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Lễ nhập quan diễn ra lúc 13 giờ 30 ngày 11.6, sau đó di quan hỏa táng lúc 6 giờ ngày 13.6.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.