20 năm tìm hiểu cội nguồn văn hóa Việt

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
30/05/2020 06:25 GMT+7

Cuốn sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt vừa ra mắt của nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc được đúc kết trong hơn 20 năm dài khảo cứu, biên soạn và chỉnh sửa.

Mở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Từ năm 1998, khi thực hiện bộ sách Kể chuyện doanh nhân Việt Nam (10 tập), chúng tôi đã có ý thức hệ thống, sắp xếp lại các câu chuyện về công đức, sự nghiệp của các danh nhân theo từng chủ đề, làm nền tảng căn bản để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý hoàn thành Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt”.
Sách dày 687 trang, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM xuất bản, gồm 5 chương, theo thứ tự thời gian: Vua Hùng và Tứ bất tử, Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những danh tài sáng tạo tiên phong, Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại và Nước non nặng một lời thề. Cuốn sách dẫn dắt độc giả tìm về cội nguồn của văn hóa dân tộc, thể hiện rõ qua cách ăn mặc, nét sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh.
Trong tâm thức của người Việt từ ngàn xưa đến nay và mãi sau này tồn tại ý thức tín ngưỡng Tứ bất tử: Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nhưng trước đó, từ thời Lê sơ (1428 - 1527), vị trí của Thánh mẫu Liễu Hạnh chính là Từ Đạo Hạnh - Địa dư chí của Nguyễn Trãi cho biết. Vậy lúc nào và tại sao có sự hoán đổi này? Đó cũng chính là điều mà tác giả muốn làm sáng tỏ với độc giả cũng như mong muốn thế hệ sau sẽ tiếp bước đi tìm câu trả lời chuẩn nhất.
Tác giả giãi bày: “Khi khảo sát, tôi nhận ra rằng hễ những ai có công truyền bá, cải thiện nghề nghiệp nhằm nâng cao đời sống thì thế hệ sau bao giờ cũng tôn vinh, biết ơn từ máu thịt. Mà các cống hiến đó phải nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đồng, tập thể”. Bởi thế, Lê Minh Quốc dần bóc tách và giới thiệu những “ông tổ” làng nghề từ dệt lụa (công chúa Thiều Hoa), thuốc nam (Tuệ Tĩnh thiền sư), đúc đồng (Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ), gò đồng (Nguyễn Công Truyền), dệt chiếu (Phạm Đôn Lễ)…
Tác giả cũng dành không ít trang sách để tôn vinh những tài danh Việt trong nhiều lĩnh vực: vũ khí (Hồ Nguyên Trừng, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa), tàu thủy chạy bằng hơi nước (Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh), y học (Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng), dược phẩm (Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ)... Đặc biệt, khoảng 130 trang Lê Minh Quốc viết về cuộc đời, sự nghiệp của những nghệ sĩ Việt cuối thế kỷ 19 và suốt cả thế kỷ 20, khơi dòng nghệ thuật hiện đại, xây những viên gạch đầu tiên cho nhiếp ảnh (Đặng Huy Trứ), cải lương - vọng cổ (Tống Hữu Định, Cao Văn Lầu), kịch nói (Vũ Đình Long), xiếc (Tạ Duy Hiển)…
“Tôi đã dành thời gian rất dài để tìm tòi, biên soạn quyển sách nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh. Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt vẫn không thể đề cập đầy đủ các nhân vật, nhất là tùy theo mỗi góc nhìn. Tuy nhiên, có một điều thích thú khi nghĩ rằng việc mình làm nếu còn thiếu sót thì người sau sẽ hoàn thiện bổ sung thêm”, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.