Cuốn sách là kết tinh thành quả nghiên cứu mấy chục năm của nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền và được các học trò dày công sưu tầm tư liệu, chụp ảnh, thiết kế minh họa. Sách có sự tham gia sưu tầm, biên tập tư liệu của Lê Thị Thảo; cung cấp tư liệu của Trần Đạt Thức; tư liệu ảnh của Trần Trung Hiếu và Nguyễn Hoài Nam.
GS Trần Lâm Biền cho biết, ông viết cuốn sách vì những giá trị văn hóa của chùa. “Tiếc thay gần đây có một số ngôi chùa đã bỏ qua lời dạy “hảo tự ố tăng” mà vượt ra ngoài dòng chảy của truyền thống, đã làm méo mó bộ mặt văn hóa của tổ tiên, khiến nhiều ngôi chùa mới tu sửa đã có phần xa lạ, đôi khi với kiến trúc “Tây chẳng phải Tây, Tàu chẳng phải Tàu, nhưng rõ ràng không phải Việt”, đã ảnh hưởng tới cả hình và thể thuộc bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, tôi đã viết cuốn sách Văn hóa - nghệ thuật chùa Việt: vài nét cơ bản để mong góp được một ly một lai vào việc xây dựng chiếc cầu nối quá khứ vào tương lai”, ông cho biết.
Sách có 3 chương. Chương 1: Diễn biến của ngôi chùa Việt, phân tích diễn tiến trong lịch sử của thiết chế văn hóa này. Chương 2: Kiến trúc chùa Việt, phân tích về thời gian tồn tại và kiến trúc ngôi chùa qua các thời; một số ngôi chùa đại diện qua các thời như chùa Một Cột, chùa Phật tích, chùa Phổ Minh… Chương 3: Tượng thờ trong chùa, phân tích cách bài trí và ý nghĩa tượng Phật giáo, phong cách tượng Phật giáo qua các thời…
Phần phụ lục của sách có nhiều tư liệu quý, giới thiệu vài nét sinh hoạt trong ngôi chùa, một số pháp khí thường dùng trong các ngôi chùa hiện nay; Chùa tiền Phật hậu thánh - một dạng thức chùa đền thờ độc đáo của người Việt… Đặc biệt, theo nhóm thực hiện sách, lần đầu tiên, những hình ảnh về ngôi chùa Việt, đặc biệt là các pho tượng cổ được hiện diện trong cuốn sách này một cách sắc nét và thần thái nhất từ trước đến nay.
Bình luận