'Giải cứu' nghệ thuật truyền thống

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/08/2018 06:55 GMT+7

Nghệ thuật sân khấu truyền thống đang cần những nguồn lực đều đặn và đủ mạnh, cũng như đúng cách để có thể gìn giữ được những di sản này.

Mượn nhà hát để diễn
“Tôi đã nói về các giải pháp giải cứu nghệ thuật truyền thống quá nhiều rồi. Tôi mời mọi người tối 6.8 này đến xem tác phẩm hợp tác giữa nhà hát và các nghệ sĩ Singapore”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Phạm Ngọc Tuấn nói. Theo ông, khách nước ngoài vẫn quan tâm đến nghệ thuật sân khấu truyền thống VN, trong đó có tuồng.
Trong khi đó, Nhà hát Cải lương VN vừa có đêm tổng duyệt vở Người đi tìm minh chủ, tại sân khấu đi mượn ở Nhà hát Chèo trên phố Kim Mã (Hà Nội). NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN, cho biết Nhà hát Chèo VN cũng thường hỗ trợ nhà hát của bà về địa điểm diễn. Cho đến nay, nghệ sĩ cải lương vẫn không có nhà để hát. Họ đã quá quen với cảnh cả vua, đại thần lẫn quân lính... lốc thốc bê phục trang, đạo cụ sân khấu sang nhà hát khác diễn... ké! Có vở diễn như Thầy ba Đợi, anh em nghệ sĩ gom mãi tiền mới quyết diễn ở Nhà hát Lớn (Hà Nội) vì phải trả tiền thuê. Theo bà Mai, nhà nước muốn giữ nghệ thuật truyền thống thì cần chính sách hỗ trợ.
Các ngành nghệ thuật truyền thống hiện cũng khan nghệ sĩ để trẻ hóa, dù Bộ VH-TT-DL có đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Theo đề án, các em được miễn học phí, miễn tiền ở, sắp xếp bố trí việc làm ở nhà hát sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, lượng đào tạo vẫn chưa đủ cho các nhà hát. Ông Tuấn cho biết rất mong đề án kéo dài thêm.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, với các loại hình nghệ thuật truyền thống, nếu không có chính sách hỗ trợ thì khó khăn sẽ càng chồng chất. Theo ông Vinh, nếu hỗ trợ được các nhà hát có điểm diễn thuận lợi thì lịch biểu diễn sẽ dày hơn. “Mấy năm rồi Bộ VH-TT-DL cũng đưa nhà hát tuồng, chèo, cải lương biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Hay tôi cũng có thể hỗ trợ để các đoàn diễn ở Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ (đại bản doanh của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc VN - PV)”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, việc hỗ trợ nên có mục đích là duy trì điểm diễn thường xuyên. Nó có thể ở rạp Kim Mã, có thể ở Âu Cơ, rạp Hồng Hà (gần chợ Hàng Da, ngay trong khu phố cổ) hay Nhà hát Lớn. “Điều quan trọng là hỗ trợ với mục tiêu tạo một điểm diễn thường xuyên. Như thế người dân tránh được việc muốn xem cải lương mà không biết xem ở đâu, đến lúc biết có thì lại muộn mất. Nghĩa là phải có chu kỳ bù lỗ diễn đều đều hằng tuần, để ngày đó thì khách biết ở đó có chương trình nghệ thuật mà tìm đến”, ông Vinh nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, lại đề xuất hỗ trợ bằng cách nghiên cứu phục dựng các trích đoạn tác phẩm cổ, hoặc toàn bộ vở diễn cổ thì càng tốt. Các sản phẩm này nên do nhà nước chi trả đặt hàng. “Nếu đúng nghệ thuật truyền thống thì khách nước ngoài thích lắm. Nhưng điều đó rất khó thực hiện, vì phải tìm lại được cách diễn ngẫu hứng ngày xưa, chứ không phải cách ông đạo diễn bảo sao diễn viên làm vậy. Và nếu dựng lại được thì nhà nước thậm chí có thể cấp kinh phí để giới thiệu cho khán giả trẻ. Ở các nước, việc bảo trợ nghệ thuật truyền thống cũng diễn ra như vậy”, ông Loan đề xuất.
Ông Loan còn nhấn mạnh vào việc “cứu” cải lương vì đó cũng là đờn ca tài tử - một di sản phi vật thể được UNESCO công nhận. “Khi làm hồ sơ công nhận, chúng ta đã có những cam kết phải bảo tồn. Nhà nước phải chi tiền để bảo tồn. Thậm chí chúng ta có thể xin tiền UNESCO để bảo tồn”, ông Loan nói.
Hát bội, cải lương sôi động nhờ sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM
Hát bội, cải lương sôi động nhờ sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM
Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga được dựng từ kinh phí cá nhân nghệ sĩ Ảnh: Tố Tâm
Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang hoạt động ở TP.HCM như hát bội, cải lương, đờn ca tài tử... vẫn có sức sống, chủ yếu nhờ các sân khấu xã hội hóa. Các vở được dựng từ sân khấu tư nhân hay các đoàn nhóm cải lương như Lê Hoàng, Chí Linh - Vân Hà... vẫn đều đặn ra mắt vở mới. Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ cũng tự bỏ tiền túi ra để dựng vở như gần đây là Thái hậu Dương Vân Nga (do NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ và nghệ sĩ Kim Ngân đầu tư dàn dựng), các live show cải lương của nghệ sĩ Thái Vinh (vở Loạn chiến Phụng Hoàng Cung), Thúy My (vở Thất Tiên nữ)... đều gây được sự chú ý và ủng hộ của khán giả. Chương trình Đêm hoa lệ kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội... tại Nhà hát Chợ Lớn (Q.5) cũng diễn thường xuyên mỗi tuần. Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM kết hợp cùng Câu lạc bộ Văn hóa - nghệ thuật Nguyễn Du (Q.1) đưa hát bội xuống phố định kỳ mỗi tháng tại phố đi bộ Bùi Viện. Hoạt động đờn ca tài tử cũng được duy trì và phổ biến tại các câu lạc bộ ở Trung tâm văn hóa thành phố, các quận, huyện; một số nghệ nhân còn mở lớp truyền nghề miễn phí...
Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập như các điểm đến vốn dành riêng cho nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vì một số lý do (thiết kế sân khấu không phù hợp, thiếu kinh phí...), vẫn chưa thể sáng đèn thường xuyên. Sinh viên học ngành cải lương vẫn còn nhiều khó khăn để theo nghề sau khi ra trường do hoạt động sân khấu cải lương không còn nhiều đất diễn như trước đây, cát sê thấp...
Tố Tâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.