Giải thưởng sách quốc gia tôn vinh những tác phẩm dày dặn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/12/2019 05:40 GMT+7

Hai bộ sách được giải A Giải thưởng sách quốc gia năm nay đều dày dặn, dụng công, được thực hiện trong nhiều năm.

Tối 26.12, Giải thưởng sách quốc gia lần thứ hai do Bộ TT-TT và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đã được trao cho các tác giả của 27 tác phẩm sách. Dự lễ trao giải có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành T.Ư.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Đào (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) đã tóc bạc da mồi khi tới nhận thưởng Giải thưởng sách quốc gia năm nay. Bà cùng tập thể tác giả nhận giải A với bộ sách Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam. “Tôi viết tập 20 của Thực vật chí. Cuốn sách tôi làm từ 1975 tới giờ mới xong. Đó là cả một cuộc đời”, bà nói. Một tác giả khác, ông Nguyễn Trí Tiến cũng mất nhiều năm nghiên cứu để thực hiện bộ sách này. Ông đã qua đời vài năm nên vợ ông - bà Nguyễn Kim Thủy, thay chồng tới nhận giải.
GS Phan Huy Lê, tổng chủ biên của bộ sách Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển, cũng đã qua đời hơn một năm nay. Cháu ngoại của ông - TS Phạm Lê Huy, thay mặt gia đình tới nhận giải A cho bộ sách này. Bộ sách gồm 12 tập, trong đó có 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu.
GS Nguyễn Quang Ngọc, một trong những tác giả bộ sách Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển, cho biết bộ sách này năm 2011 đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu của năm. Năm 2017, khi xuất bản bộ sách cũng được tặng giải thưởng Trần Văn Giàu - giải thưởng cao nhất viết về Nam bộ. Bộ sách là đề án quốc gia nên mỗi tập trong đó tương đương với một đề tài khoa học cấp nhà nước. “Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu và trình bày, lý giải về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ một cách tổng thể. Trước đây, Nam bộ là vùng ít được nghiên cứu về lịch sử”, ông Ngọc nói.
Về vị tổng chủ biên, GS Ngọc cho rằng: “GS Phan Huy Lê là vị tổng chủ biên không ai có thể thay thế được vai trò trong việc nghiên cứu vùng đất này. GS Phan Huy Lê là người bao quát được toàn bộ mà lại đi vào những vấn đề hết sức cụ thể và chi tiết. Cho nên nhiều đánh giá khái quát tập hợp tuy có đánh giá của từng tác giả nhưng có dẫn dắt của GS Phan Huy Lê”.
Về chất lượng sách của giải thưởng năm nay, PGS-TS Phạm Xuân Thạch (một thành viên ban giám khảo) cho biết các tác phẩm nghiên cứu có chất lượng rất tốt. Không chỉ những nhà nghiên cứu đầu ngành như GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, GS Trần Đình Sử, PGS-TS Lương Xuân Tình... được trao giải, giải thưởng còn ghi danh những nhà nghiên cứu còn trẻ như TS Trần Trọng Dương, TS Trần Hậu Yên Thế, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp. “Giải thưởng cho thấy mặt bằng dân trí tốt. Nó cũng cho thấy sách khảo cứu chất lượng tốt. Sách công cụ tốt thì mọi thứ tốt theo”, ông Thạch cho biết.
Hai giải A được trao cho bộ sách Động vật chí Việt Nam (tập 26 - 31) và Thực vật chí Việt Nam (tập 12 - 21), NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ; bộ sách Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển do GS Phan Huy Lê làm tổng chủ biên, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
Có 13 tác phẩm được giải B, bao gồm: Bình luận khoa học bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) - Phần các tội phạm, tập thể tác giả; Các dân tộc ở Việt Nam (4 tập), PGS-TS Vương Xuân Tình chủ biên; Một điểm tinh hoa - thơ văn Hồng Hà nữ sĩ,
PGS-TS Trần Thị Băng Thanh sưu tập và giới thiệu; Bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn, GS-TSKH Lê Huy Bá chủ biên; Lipit từ hạt một số loài thực vật Việt Nam, Đoàn Lan Phương chủ biên; Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chămpa thế kỷ 5 Trước Công nguyên đến thế kỷ 5 Sau Công nguyên (một số vấn đề khảo cổ học), GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung; Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển, TS Trần Trọng Dương; Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật, Vũ Hiệp; Tranh truyện Lịch sử Việt Nam, Tạ Huy Long, Phạm Phương Liên, Nam Việt, Minh Hiếu, Hà Ân, An Cương, Nguyễn Việt Hà; Hùng binh, Đặng Ngọc Hưng; Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, Maurice Durand dịch và giới thiệu: Nguyễn Thị Hiệp và Olivier Tessier; Xóm bờ dậu, Trần Đức Tiến; Những bài học ngoài trang sách, Đỗ Nhật Nam.
12 tác phẩm được giải C, gồm: Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, thiếu tướng, PGS-TS-NGND Nguyễn Bá Dương; Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, PGS-TS Vũ Trọng Lâm; Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài: Lịch sử Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Đỗ Thị Thùy Lan; Tự sự học - Lý thuyết và ứng dụng, Trần Đình Sử (chủ biên); Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành, GS-TS Hoàng Thế Liên chủ biên; Những vấn đề tim mạch thiết yếu - Tiếp cận từ các câu hỏi lâm sàng với cập nhật khuyến cáo, GS-TS Huỳnh Văn Minh và PGS-TS Hoàng Anh Tiến đồng chủ biên; Từ điển hóa học Anh - Việt, Lâm Ngọc Thiềm và Nguyễn Đức Huệ (đồng chủ biên); Vũ trụ toàn ảnh, Michael Talbot do Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đình Diện dịch; Leonardo Da Vinci, Walter Isaacson do Nguyễn Thị Phương Lan dịch, Phạm Diệu Hương hiệu đính; Chuyện Đông chuyện Tây (4 tập), An Chi; Phác họa Nghê gã linh vật bên lề (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê), Trần Hậu Yên Thế chủ biên; Từ thầy Tuồng đến đạo diễn Tuồng, Đặng Bá Tài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.