Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn qua đời ở tuổi 83

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/11/2019 23:39 GMT+7

Tối 27.11, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là người cuối cùng của nhóm “tứ trụ” ngành Sử học Việt Nam.

Thông tin từ học trò xác nhận, tối 27.11, giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn, người được coi là một trong "tứ trụ" của ngành nghiên cứu lịch sử, đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 1957 với vị trí thứ 2 và được giữ lại trường làm cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam.
Khi nhà trường chia tách, ông công tác tại Đại học Tổng hợp, do giáo sư Đào Duy Anh phụ trách. Ông cũng được giáo sư Trần Văn Giàu phân công viết cuốn Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt NamTập 1 Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
Qua việc viết hai tập sách này, ông thấy hứng thú và gắn bó với các vấn đề tiền sử Việt Nam và các vấn đề giai đoạn từ đầu tự chủ đến cuối thời nhà Trần.
Giáo sư Hà Văn Tấn được công nhận chức danh giáo sư năm 1980, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1997. Ông là chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982 - 2009), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) giai đoạn 1988-2008.
Các công trình của giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn gồm: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 1; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Thuật ngữ sử học, dân tộc học khảo cổ học Nga - Việt; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Chùa Việt Nam; Tư tưởng thời kỳ tiền sử và sơ sử; Lịch sử tư tưởng Việt Nam; Triết học Ấn Độ cổ đại
Ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000 cho công trình Theo dấu các văn hoá cổ.

Trí nhớ siêu phàm, tài năng và phong cách khoa học lớn

Được tôn vinh là một trong "tứ trụ" của ngành sử học (gồm giáo sư Đinh Xuân Lâm, giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Hà Văn Tấn, giáo sư Trần Quốc Vượng), giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn là người trẻ nhất trong nhóm này. Ông kém giáo sư Phan Huy Lê và giáo sư Trần Quốc Vượng 3 tuổi, kém giáo sư Đinh Xuân Lâm 12 tuổi. Tuy nhiên, bốn người có tình bạn rất thân thiết và cùng tôn trọng nhau về tài năng khoa học.
Giáo sư Phan Huy Lê từng viết về tài năng và phong cách khoa học bộc lộ ngay từ công trình đầu tay của giáo sư Tấn: “Tác phẩm đầu tay của anh Tấn là hiệu đính và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi do cụ Phan Duy Tiếp dịch, xuất bản năm 1960 lúc anh mới 23 tuổi. Tôi còn nhớ, trong buổi họp bộ môn, khi nhận xét về công trình này, giáo sư Đào Duy Anh đã nói đại ý: “Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả”. Cũng giáo sư Phan Huy Lê cho biết, giáo sư Hà Văn Tấn có một trí nhớ trời cho, đọc qua là nhớ.
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng chia sẻ: “Tôi phục anh Tấn thực tình. Gì thì gì, chứ cái học chữ Nho thì anh là nhất! Mà Phật học lại sâu. Chữ Latinh, chữ Pháp, chữ Nga anh đều rành”. Giáo sư Vượng cũng từng tiết lộ: nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá giáo sư Hà Văn Tấn là nhà khảo cổ học bác học của Việt Nam. Trên thực tế, giáo sư Hà Văn Tấn là người có kiến thức liên ngành. Ông nghiên cứu ngôn ngữ, triết học, nhân học, toán học thống kê, khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử và lĩnh vực nào cũng đều rất uyên bác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.