​'Gieo trồng' thói quen đọc sách cho trẻ

20/04/2019 06:35 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, ông tin mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện, và thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động. Nhưng thói quen đó phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thời thơ ấu.

Tham gia tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ (Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản VN - Văn phòng đại diện phía nam tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 19.4 tại TP.HCM), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết từ nhỏ, vì ba đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên ông nghe được là từ bà và chú. “Bà tôi và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia…”, để rồi “khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời”, ông nói. Theo ông, sách đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền, kẻ ác và đặc biệt mở rộng trí tưởng tượng đến vô biên.
Hơn 20 tham luận, tham gia tọa đàm (của các đơn vị xuất bản, thư viện, giáo dục), nhà văn đều nêu lên việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ bé chính là mấu chốt của vấn đề phát triển văn hóa đọc, bởi: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn”.
Giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Minh, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng thực trạng đáng lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc trong chính gia đình và nhà trường - những môi trường đầu tiên ảnh hưởng lớn đến sự hình thành năng lực, nhân cách một con người. Nguyên nhân do thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, áp lực công việc, thiết bị công nghệ chi phối, sự quá tải của các hoạt động ở trường học, thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc đọc đối với sự phát triển của trẻ…
Làm sao để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên? Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trẻ em đến với sách là vì nó hấp dẫn, nó làm các em thích thú, say mê chứ không phải vì nó tốt. Gần 3 năm gắn với dự án Sách hay cho học sinh tiểu học, bà Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng ban dự án, cũng nhìn nhận rằng để kích thích, truyền cảm hứng đọc đến các bạn nhỏ, những cuốn sách mà dự án lựa chọn đều có những tiêu chí: hay - mới về nội dung, đẹp về hình thức và phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, hầu hết các tham luận đều thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.