Gỡ vướng cho đại dự án Bảo tàng Đà Nẵng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
26/07/2021 06:37 GMT+7

Dù đã chậm khởi công 1 năm so với kế hoạch, nhưng đến nay, dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng vẫn chưa nhận đủ mặt bằng, ảnh hưởng dây chuyền đến dự án bảo tồn di tích khác đang triển khai song song.

 

Xin gia hạn, vẫn trễ

Tháng 5.2020, UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng (tổng mức đầu tư gần 505 tỉ đồng). Việc chọn cơ sở 42 Bạch Đằng vốn là Tòa đốc lý có tuổi đời 120 năm được dư luận cũng như các ngành đồng thuận cao, bởi đây là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Theo kế hoạch, từ quý 3/2020, lẽ ra dự án đã được khởi công, tuy nhiên do nhiều vướng mắc, đến tháng 3.2021 vừa qua, Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng có văn bản số đốc thúc UBND TP chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, lựa chọn nhà thầu để khởi công dự án vào dịp 30.4.
Cuối tháng 3 vừa qua, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây d̀ựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án, gọi tắt là BQL) đề xuất cho phép gia hạn tiến độ khởi công đến ngày 19.5 vì một số vướng mắc như phải lấy ý kiến các ngành, có một số nội dung cần phải điều chỉnh... Do 3 tòa nhà 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú đã cũ nên đơn vị tư vấn thiết kế (liên danh với Công ty StudioMilou Singapore) phải chỉnh sửa hồ sơ thiết kế nhiều lần để phù hợp theo ý kiến của đơn vị thẩm định. Mặc dù BQL đề xuất thời hạn 30.4 nhưng đến ngày 19.5, dự án vẫn không thể khởi công và phải lùi đến ngày 4.6.
Nhà thầu là liên danh Công ty CP Vinaconex 25 và Công ty CP xây dựng và đầu tư phát triển Bạch Đằng Đà Nẵng đã nhận mặt bằng để thi công phần cọc thí nghiệm. Ngày 16.7 vừa qua, BQL đã có báo cáo tiến độ gói thầu xây lắp khối nhà với giá trị gần 318 tỉ đồng. Tại báo cáo này, đơn vị điều hành dự án đã đề nghị UBND TP xem xét cho chủ trương bàn giao cơ sở 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức triển khai thi công. Riêng với hội trường số 42 Bạch Đằng, phục vụ cho các kỳ họp, hồi tháng 3, HĐND TP đề nghị sau khi TP xây dựng hội trường kết hợp với trung tâm hội nghị phục vụ chung cho các sự kiện chính trị sẽ bàn giao để tổ chức các hoạt động của bảo tàng.

Chậm trễ dây chuyền

Ngày 21.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết: “Hiện cơ sở 42, 44 Bạch Đằng đã được giao trước, chính thức từ ngày 20.7. Tuy vậy, cơ sở 31 Trần Phú sẽ được giao trước ngày 1.10 tới đây”. Theo BQL, đến ngày 31.8, gói thầu xây dựng đề cương chi tiết các chủ đề trưng bày thường xuyên sẽ hoàn thành. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện đề cương trưng bày sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia trong ngành. Dự kiến, từ ngày 1 - 10.9 tới, BQL trình Sở VH-TT thẩm định, phê duyệt đề cương chi tiết.
Liên quan đến gói thầu thi công xây dựng nội thất và trưng bày, theo báo cáo tiến độ, việc thi công sẽ bắt đầu từ tháng 2.2022, đến ngày 30.1.2023 sẽ hoàn thành. Do chậm tiến độ, việc hoàn thành Bảo tàng Đà Nẵng bị “kéo rê” đến năm 2023, trễ hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết thêm hiện nay việc xây dựng đề cương tổng quát các chủ đề trưng bày thường xuyên, xây dựng nội thất trưng bày đang được bảo tàng phối hợp với đơn vị tư vấn và các chuyên gia hoàn thiện. “Việc triển khai cụ thể các chủ đề trưng bày sẽ mất khá nhiều thời gian do liên quan đến các phần hạ tầng, nội thất của bảo tàng...”, ông Thiện nói.
Theo một lãnh đạo BQL, tiến độ của dự án này cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư 84 tỉ đồng), trong đó có phần hạ giải hạ tầng bảo tàng hiện có bởi sự dịch chuyển “dây chuyền”. “Khi cơ sở 42 Bạch Đằng làm xong mới đập tòa nhà bảo tàng hiện tại và chuyển hiện vật qua địa điểm mới. Theo chỉ đạo của Sở VH-TT, dự án giai đoạn 2 thành Điện Hải phải bám theo dự án 42 Bạch Đằng, dự kiến đầu năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng. Sau khi di chuyển về cơ sở 42 Bạch Đằng mới khởi công dự án ở thành Điện Hải được”, vị lãnh đạo BQL nói.
Do thành Điện Hải là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nên thời gian tới, khi thiết kế dự án phải lấy ý kiến từ Bộ VH-TT-DL, các nhà khoa học... Không những vậy, theo quy trình, dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và Bộ TN-MT thẩm định. Hiện TP.Đà Nẵng đã trình Bộ TN-MT xem xét, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên phía Bộ TN-MT chưa kiểm tra được. “Đơn vị đang liên hệ Bộ TN-MT để xử lý. Hiện dự án đã được chuẩn bị xong nhưng do vướng công đoạn này nên phải chờ thủ tục để được phê duyệt...”, lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng nói thêm.
Dự án cải tạo, nâng cấp các khối nhà 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú để làm Bảo tàng Đà Nẵng nhằm tạo hạ tầng để tiếp nhận, trưng bày hiện vật của bảo tàng hiện nay (đang đặt tại vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải). Dự án triển khai trên tổng diện tích 8.686 m2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.