Hà Nội chẳng tốn một xu...

22/01/2021 17:25 GMT+7

Ký ức đầu tiên của tôi về Hà Nội là lần mẹ và bác đưa ông ngoại ra Hà Nội khám bệnh. Tôi đã mơ về một Hà Nội với những bệnh viện lớn, những bác sĩ giỏi có thể khám và chữa bệnh cho ông tôi…

1. Ngày ông về, bà con lối xóm sang thăm hỏi, ai cũng hồ hởi vui tươi. Chỉ thấy mẹ và các bác len lén trốn đằng sau bếp, tiếng thở dài theo gió tan vào thinh không.
Hóa ra ông đã bị bệnh nặng, ngoài Hà Nội người ta trả về, các bác sợ ông buồn nên giấu. Mãi đến lúc thấy ông yếu dần, con cháu trong nhà mới quây quanh giường và khóc nghẹn nói cho ông sự thật.
Những tưởng ông sẽ giận, nhưng ông chỉ cười nhẹ nhàng bảo: “Bố biết mà”. Rồi ông về với tổ tiên, nhẹ nhàng như một giấc ngủ trưa. Hà Nội chẳng thần kỳ như tôi nghĩ.
Từ dạo đó tôi bắt đầu để ý, trong làng hễ có ai đau ốm mà phải ra đến Hà Nội khám hay chữa bệnh thì bệnh phải nặng lắm, cái chết dường như đã đến gần lắm rồi. Từ ấy, tôi bắt đầu sợ Hà Nội.
2. Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các bác trong nhà tổ chức ra Hà Nội chơi, nhân tiện thăm mấy anh chị đang học ngoài đó.
Mấy bác ai cũng háo hức cho chuyến đi chơi, chỉ mẹ tôi là không đi, dù cho anh em tôi và mọi người hết mực chèo kéo. Mẹ lấy lý do, bố tôi đi làm xa, phải ở nhà còn lo cho gà, cho lợn ăn, chứ đi cả mấy ngày để nhà ai trông.
Đêm nằm cạnh mẹ, tôi khẽ hỏi: “Sao mẹ không đi cùng các bác cho vui, gà với lợn ở nhà con với anh lo được mà. Mẹ đi đi, 1.000 năm chứ có phải ít đâu, đời người mấy ai may mắn được chứng kiến cái khoảnh khắc nghìn năm của thủ đô”.
Mẹ bảo: “Hà Nội đắt đỏ lắm con à, nhà ta làm gì có điều kiện như nhà các bác mà đi. Hơn nữa, mẹ cũng không thích những nơi đông đúc xô bồ, nơi mà người ta chen nhau từng mét vuông đất để sống như Hà Nội”.
Câu nói của mẹ đã góp phần phác họa thêm cho tôi về một cuộc sống Hà Nội, đắt đỏ, xô bồ, nơi của nạn lừa đảo, móc túi hoành hoành. Nỗi sợ Hà Nội trong tôi theo đó dần lớn lên.
3. Năm tôi thi đại học, lưỡng lự mãi mới chọn được trường thi, ngành tôi muốn học, chỉ có trường ở Hà Nội đào tạo. Trước ngày ra Hà Nội, mẹ dặn tôi đủ thứ, tiền nong phải cất cẩn thận khéo người ta lừa mất. Ra bến xe phải gọi cho chị nhà bác đến đón ngay, ai có hỏi đi đâu để chở đi thì đừng có nói gì, không có họ chèo kéo lừa lọc đấy. Cẩn thận với người lạ không có bị đánh thuốc mê, bắt đi bán nội tạng… Tôi dặn lòng phải dè chừng Hà Nội.
Tôi đi nhập học, mang theo nỗi sợ về Hà Nội bên mình. Tiền mẹ cho, tôi chia làm nhiều nơi để cất. Một phần trong ba lô, nhét sâu dưới đống quần áo. Một phần nhét ở trong chiếc quần đùi có túi và khóa mà mẹ may cho. Một phần bỏ trong túi quần ngoài để trả tiền xe. Đi xe khách mấy tiếng đồng hồ, dù mệt nhưng tôi chẳng dám chợp mắt dù chỉ một giây, sợ người ta trộm mất đồ lúc ngủ.
Đến bến xe, mấy bác xe ôm bảo gì tôi cũng lắc đầu, lặng thinh. Cô bán bánh mì bên đường cười niềm nở khi thấy tôi đang lơ ngơ giữa trời nắng, tay xách nách mang lỉnh kỉnh cả đống đồ. “Sinh viên mới ra hả cháu, chờ người nhà đến đón à? Vào đây ngồi cho mát này, đứng đó làm gì cho nắng, cô không lấy tiền đâu mà sợ”. Tôi ngập ngừng…
4. Tôi đã dừng lại thật lâu khi thấy trong đêm Hà Nội, khi những người thiện nguyện đi phát quà cho người vô gia cư, từng món quà nhỏ được trao đi, như cách người Hà Nội trao niềm tin cho những phận đời vất vả, tha hương có thể vững vàng hơn trong cuộc đời đầy những khấp khểnh chênh chông.
Tôi thấy người ta trao nhau những phần cơm miễn phí trong mùa dịch.
Tôi thấy người ta í ới gọi nhau cùng gói bánh chưng cho miền Trung mùa bão lũ.
Tôi thấy người ta nhường nhau từng vòng xe dẫu phố tắc đường mỗi chiều tan ca.
Từ sợ sệt, đề phòng… rồi không dưng mà yêu, mà thương Hà Nội tự lúc nào chẳng hay.
5. Lần đầu tiên mẹ lên Hà Nội thăm tôi, kể từ sau ngày ông mất. Tôi chở mẹ ra Bờ Hồ một sáng đầu đông.
Tháp Rùa bình yên trong sương sớm. Tôi kể mẹ nghe về một Hà Nội ngàn năm văn hiến, một Hà Nội xanh lành và thắm đượm tình người.
Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, chỉ có tình người là chẳng cần tốn một xu nào hết mẹ ơi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.