Lang thang cùng leng keng tàu điện

18/02/2021 15:12 GMT+7

Hà Nội ngày tôi mới đến, ngày ấy xa rồi khi trên đường phố phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp và tàu điện.

Xe đạp chưa có, tàu điện chưa quen, những con đường ngõ phố còn xa lạ, nên tôi cứ phải lang thang bách bộ. Một vài lần đi tàu điện thấy có nhiều thuận tiện, giá vé phù hợp nên trở thành quen.
Tàu điện có các tuyến:
Bờ hồ qua Hàng Bài, Phố Huế về Chợ Mơ.
Bờ hồ qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Quán Thánh về Thụy Khuê, chợ Bưởi.
Bờ hồ qua Hàng Đậu đi Thái Hà ấp.
Bờ hồ qua Hàng Bông, Văn Miếu rẽ về Hà Đông, còn tiếp đi thẳng thì qua Kim Mã về Cầu Giấy.
Bến bờ hồ là trung tâm tỏa qua các phố về 5 cửa ô. Bến nằm đối diện với hàng kem bốn mùa nay là tòa nhà Hàm cá mập. Bến không to, không gian vừa phải nhưng cũng đủ thoáng vì có khí mát từ bên hồ Hoàn Kiếm đưa về, và gió từ Hàng Bông thổi qua. Lối cửa vào bến có vài cô bán hàng nước chè với chiếc đèn dầu để khách hút thuốc lào.
Bến xe trung tâm là vậy, khách đến khách đi cũng thấy thoải mái, có khi ngồi ở bến chính nhưng cũng có nhiều khách bên phía bờ hồ, ngồi tụ năm tụ ba bên hàng nước chè, uống bát nước chè, hút điếu thuốc lào, ăn miếng kẹo lạc được hưởng gió mát ngắm cảnh Hồ Gươm, đâu đó có cả những câu chuyện huyền thoại về hồ mà quên chuyến về.
Có một hôm trời hè nắng oi ả, tôi bắt chuyến về bờ hồ để chuyển tiếp chuyến về Quán Thánh. Khi xuống tàu nhưng chưa có chuyến nên phải đợi chờ, tìm nơi có bóng râm để ngồi, thỉnh thoảng có khí mát ở giữa hồ tỏa ra mà người thấy dễ chịu hẳn. Đưa mắt nhìn ra giữa hồ ngắm cảnh tháp rùa rêu phong cổ kính nằm trên nền đất cỏ xanh mướt nghiêng bóng soi xuống mặt nước lung linh mờ ảo mà tâm hồn cảm thấy lâng lâng nơi linh thiêng của đất Long Thành xưa. Khi trở ra thì tàu chuyến Quán Thánh đã chuyển bánh.
Thỉnh thoảng có tiếng leng keng, bánh xe tiếp giáp đường ray phát ra tiếng kêu “kít kít” báo hiệu tàu đến khách lục tục bước xuống tàu, sau đó lại có tiếng leng keng, kít kít báo hiệu tàu đi. Tàu dễ đến và cũng dễ đi, khách đi tàu cũng cảm thấy thuận tiện.

Các chuyến tàu điện xưa xuất phát từ đây để đi về Đống Đa, Cầu Giấy

Ảnh Lưu Quang Phổ

Trên các chuyến tàu, người lái tàu là người quan trọng nhất, ngồi ở giữa đầu tàu mắt lúc nào cũng nhìn chăm chăm về phía trước. Tay trái người lái tàu nắm thanh đồng gạt qua gạt lại để tăng giảm tốc độ. Chân phải luôn đặt sẵn trên núm chuông, mỗi lần dậm chân nhẹ, tàu phát kêu leng keng báo hiệu tàu đang dịch chuyển hoặc sắp đến bến đỗ. Mỗi khi có người hoặc xe sắp băng qua đường tàu, bác lái tàu lại dậm chân cho chuông vang lên rộn ràng.
Tàu chạy trông có vẻ lừ đừ chậm chạp do có lúc phải dừng để tránh tàu hoặc đỗ lại để khách xuống tàu, nhưng có những đoàn tàu cứ tiến, các phương tiện giao thông khác phải nhường đường. Điều khiển con tàu lúc nhanh lúc chậm trông có vẻ khoan thai như người nhạc trưởng điều khiển dàn hợp xướng, nhưng đó là một sự kết hợp đồng bộ giữa mắt, hai tay và chân, cùng bộ đầu não thần kinh minh mẫn.
Khách lên tàu ngồi ở hai hàng ghế dọc theo cửa sổ, hàng hóa chất ở dưới ghế, thúng mủng quang gánh móc ở bên ngoài toa cuối. Ngồi trên tàu lại được nghe hát xẩm với những giai điệu khi trầm khi bổng. Người hát thường có 2 người (1 nam, 1 nữ), 1 người kéo nhị và hát, 1 người đánh nhịp, có khi cả gia đình 3 người (chồng, vợ và con). Người hát thường hát những bài sẩm về thân phận con người, cảnh nghèo cơ cực. Khi những giọng hát buồn cất lên trong toa tàu đang ồn ào bỗng lặng yên. Cũng có khi người hát hát những bài vui rộn ràng như:
“Hà nội có chợ Đồng Xuân
Dạo quanh Long Thành”
Từ những lời ca những bài ca ấy cất lên trong toa lại thấy vui trở lại.
Nghe hát xong, khách nhẹ nhàng đặt đồng tiền vào rổ, có người còn nắm chặt tay người hát và cũng có người đặt tiền xong còn nắm chặt hai bàn tay mình trước người hát để thể hiện sự đồng cảm, ngưỡng mộ những giai điệu lời ca đi vào lòng người và hơn thế là thể hiện nét ứng xử thanh lịch của người Hà Nội.
Cũng vì mải mê nghe hát sẩm có đôi ba lần tôi bị lỡ chuyến. Nhiều khách đi tàu cũng vì lời ca tiếng hát mà quên cả về. Hát xẩm đến với tàu điện như cái duyên đẹp và trở thành giọng ca hát có sắc thái và mang tên riêng là “xẩm tàu điện” mà người dân Hà Nội vẫn thường gọi.
Tàu điện không những là phương tiện đi lại làm ăn mưu sinh cuộc sống của người dân mà còn là nét văn hóa đặc trưng của đất Thăng Long. Tàu điện và tiếng leng keng đã để lại trong ký ức sâu thẳm của người Hà Nội từ 40, 50 năm về trước. Đối với những hình ảnh trên cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp.
Được tin thành phố Hà Nội đang thử nghiệm hệ thống tàu điện trên cao để vận hành chính thức vào năm 2021 đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc:
Một ngày không xa
Trở về Hà Nội
Ngồi tàu điện ngầm
Cảm nhận Thăng Long
Tâm hồn bỗng bay
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.