Tôi trở lại Hà Nội 2009 trong vai trò là thí sinh ra nhận giải thưởng cấp Tập đoàn. Dạo quanh Hồ Gươm để cảm nhận không khí mát mẻ, thanh lịch của Thủ đô trên 1.000 năm tuổi. Tôi bắt gặp nét đặc trưng của Hà Nội, cụ bà quẩy gánh bánh đa kê, cụ ông trầm ngâm bên ván cờ, trung trung thì ngất ngây với các bài thể dục,… không đủ thời gian để diễn tả hết.
20 năm nay có dịp quay lại, Hồ Gươm vẫn đầy thơ mộng linh thiêng, một nét rất riêng của Hà Nội, thật tự nhiên, bình dị. Bút tháp oai phong trên núi Độc Tôn; tháp rùa sừng sững trên mặt nước lung linh; cầu Thê Húc bắc qua làn nước xanh biếc; đền Ngọc Sơn có cụ Rùa trên 200 tuổi yên nghỉ ngàn thu; con phố Lê Thái Tổ dẫn du khách đến trước cửa Bưu điện Thành phố.
Tôi ngây người nhìn về phía xa xa, những dòng suy nghĩ miên man ập đến liên hồi, sóng Hồ Gươm vẫn gợn đều, gợn đều từng lớp bởi gió Sông Hồng thổi.
- Này chàng giai trẻ! cậu ngắm Bưu điện à?
Giật mình “Dạ”, tôi quay lại! Cụ già tay cầm bàn cờ tay kia chống gậy, râu tóc bạc phơ, mắt cụ nhìn và tay chỉ về hướng tháp đồng hồ trên tòa nhà VNPT Hà Nội.
Cụ chậm rãi, tự nhiên: “Năm 9 tuổi tôi cũng như cậu vậy, ngơ ngác nhìn Hồ Gươm, nhìn tòa nhà đấy đấy, nó chưa có tháp đồng hồ này, chỉ có tòa nhà Bưu Điện thôi”.
+ Vâng ạ!
- Bố tôi đã nói về Bưu điện này cho tôi nghe, nó là tòa nhà do người Pháp xây dựng năm 1884. Mãi đến năm 1977 tháp đồng hồ mới được ta xây dựng, nó hoạt động và phát ra những tiếng kêu đầu tiên vào năm 1978.
+ Vậy hả bác, thông tin quý giá bác nhỉ?
- Ừ! Đây ai mà chẳng biết, bác nói thêm cháu nghe nhá!
+ Vâng ạ, cháu lắng nghe đây, bác nói đi.
- Người dân ở đây chỉ cần hẹn nhau ở Bưu điện Hà Nội, không cần nói địa chỉ thì mặc nhiên biết chỗ cần đến. Nó cũng là mốc để tính chiều dài từ Hà Nội đến các nơi khác. Bưu điện Hà Nội không chỉ là một địa danh, đó là kỷ niệm, là nhân chứng lịch sử, là hơi thở từ ngày xưa vọng về hiện tại và khát khao ở tương lai cháu ạ!
|
+ Thông tin của bác thật quý giá, ở trong Nam cháu không biết đâu, may mắn hôm nay được nghe bác nói, cháu mới hiểu thêm về giá trị lịch sử của nó! Cháu cảm ơn bác đã sẻ chia!
- Nó là một phần của quần thể kiến trúc khu vực Hồ Gươm, tháp đồng hồ được người dân xem như biểu tượng của Thủ đô, gắn liền với đời sống của nơi đây. Hắn là một trong số ít chiếc đồng hồ chạy bằng cơ còn hoạt động trên thế giới đấy!
+ Vâng cảm ơn bác ạ! Trước cháu cũng đã đến đây, nhưng chưa được nghe một nhân chứng Hà Nội nào nói về tháp đồng hồ cũng như Bưu điện Hà Nội bác ạ.
- Ừ! Thế đấy cháu ạ, ấy vậy mà các ông ở trên vì lý do gì mà không chịu giữ cái tên Bưu Điện Hà Nội như cũ! Người dân đã gửi ý kiến lên chính quyền Thành phố rồi, họ mong trả lại cái tên cũ thôi, vì đã ăn sâu vào lòng người, đổi tên mới là vi ti gì đó nói nhọc mồm lắm!
+ Vậy giờ sao rồi bác?
- Cũng có thấy gì đâu, vẫn mấy chữ tắt xanh xanh kia kìa. Thế hệ các bác vẫn là Bưu điện Hà Nội thôi, cho dù đổi thành tên gì đi chăng nữa vẫn vậy.
+ Tiếc bác nhỉ? Đó là giá trị văn hóa đã nằm sâu trong tiềm thức người Hà Nội không thể thay thế hả bác?
- Đúng vậy, các bác thấy cảm giác như đã mất cái gì đó quý giá của riêng lòng mình. Nhưng không sao, vẫn còn tòa nhà đó, tháp đồng hồ đó thì nó là Bưu điện Hà Nội của ta rồi, hà.. hà….
+ Vâng ạ!
- Các ông ấy có sửa lại hay không thì mặc kệ, ý kiến mãi chẳng được gì? Miễn sao nó là tài sản quý giá đã đi vào cuộc đời của dân Hà Nội là được rồi.
+ Mong chính quyền Thành phố xem xét ý kiến của dân bác nhỉ? Để giá trị văn hóa đó mãi mãi trường tồn.
- Ừ! Thế cậu có làm được với tớ ván cờ không nhỉ?
+ Được ạ! Bác chỉ bảo thêm cho cháu nhé!
- Nhất trí, hầu tay cờ miền Nam xem thế nào nhá!
Bác cười sảng khoái, rung rinh bờ vai mà chòm râu vẫn mát rười rượi. Khuôn mặt bác hồng hào điềm tĩnh đậm chất người Hà Nội, nhưng trong lòng thì mất đi một biểu tượng đã gắn liền với tuổi thơ của mình.
Thế là tôi đã được hòa mình vào với văn hóa của người Thủ đô, một nét sinh hoạt đời thường hết sức độc đáo, đầy tự do, thân thiện - hòa bình và gần gũi. Cạnh Hồ Gươm oai hùng tôi cảm thấy an tâm, tự hào và ấm áp như đã về với đại gia đình của mình vậy.
|
Bình luận (0)