Nếu nói tới phi tần, thị nữ của nhà vua thì nhiều vô kể. Cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Omega và NXB Đà Nẵng ấn hành), kể: “Tự Đức có một trăm lẻ tư bà phi tần. Phi tần được chia làm chín bậc, mỗi bậc có một danh xưng khác; họ ăn mặc và hưởng bổng lộc theo quy định của triều đình tùy vào thứ bậc của họ. Bổng lộc này không đáng kể lắm: Hoàng hậu mỗi năm nhận một nghìn xâu tiền, tương đương khoảng 800 franc, cùng hai trăm năm mươi đấu gạo màu, năm mươi đấu gạo trắng và sáu mươi súc lụa để may xiêm y; các bà nhất giai phi thì chỉ có năm trăm xâu tiền, hai trăm lẻ năm đấu gạo màu, bốn mươi lăm đấu gạo trắng và bốn mươi tám súc lụa; các bà cửu giai tài nhân thì chỉ được nhận phần lương bổng ít ỏi gồm năm mươi ba xâu tiền, một trăm tám mươi đấu gạo màu, năm mươi sáu đấu gạo trắng và mười hai súc lụa”.
|
|
Đời sống hậu cung phức tạp
Đời sống của phi tần, thị nữ trong cung cũng nhiều vấn đề phức tạp chứ không hề đơn giản, tác giả Charles-Édouard Hocquard hé lộ thêm: “Mỗi phi tần đều có quyền đem vào điện một số hầu gái tùy theo cấp bậc của phi tần đó và phải tự bỏ tiền ra trả cho họ. Hoàng hậu có thể có mười hai hầu gái và tài nhân cấp thấp nhất có ba hầu gái. Luật của vương quốc không giới hạn số lượng phụ nữ trong hậu cung nhưng những người hầu gái này phải làm hết mọi việc. Họ lao động dưới sự giám sát của những bà già hơn, các bà này được chia làm sáu bậc. Dưới thời Tự Đức, những nữ giám sát này có đến sáu mươi người. Họ ăn lương triều đình và mặc y phục giống với y phục các phu nhân của quan đại thần; chính họ là người chỉ định thị nữ trong hậu cung mỗi ngày đi phục vụ nhà vua và thái hậu; họ cũng điều hành các nữ công có nhiệm vụ chèo trên long thuyền và canh gác xung quanh những phòng ốc đặc biệt của nhà vua. Nữ công có tới ba trăm người chia thành sáu bậc, họ ở trong một tòa nhà nằm cạnh hậu cung; đồng phục của họ gồm quần dài, váy và khăn đầu màu lục”.
|
Dân gian thường nói "sướng như vua" cũng có lý do là vì vậy. "Mỗi ngày hoàng thượng được một đội ngũ gồm mười lăm người vợ và ba mươi a hoàn phục vụ; những a hoàn này cầm kiếm gác tất cả lối ra vào tẩm điện. Những người khác thì hầu hạ các việc thường ngày của vua; năm người trong số thị nữ luôn ở cạnh để phục vụ ngài, và mỗi ngày lại đổi một kíp. Vì vậy mà số thị nữ hậu cung lên đến 579 người, lại thêm 455 a hoàn nữa, tất cả đều ăn lương triều đình. Một con số không hề nhỏ", trích từ sách đã dẫn.
Theo Charles-Édouard Hocquard, phi tần của nhà vua được tuyển theo hai cách: hoặc là con gái của quan lại triều đình và những phú hộ muốn được vẻ vang, ân thưởng, đem những cô con gái xinh đẹp nhất dâng lên nhà vua; hoặc con cái của dân thường do hoàng hậu mua về để làm diễn viên nhưng sắc đẹp của họ động lòng nhà vua. Tuy nhiên, kiếp người trong hậu cung cũng thật sự buồn. “Những người phụ nữ này gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài, thậm chí không thể trở về nhà cha mẹ đẻ; người mẹ thỉnh thoảng còn được cho phép tới thăm con trong hoàng cung”, tác giả cho biết.
Đó là khi hoàn toàn khỏe mạnh, chứ nếu chẳng may một phi tần của vua nhiễm bệnh nặng thì sẽ bị cách ly trong phòng thuốc của hậu cung để thái y tới khám và đặt dưới sự giám sát của một hoạn quan. Gặp phải căn bệnh vô phương cứu chữa thì có thể bị gửi trả về nhà. Còn trường hợp đột tử, sẽ bị đem xác ra khỏi hoàng thành qua bờ tường nhờ một dây tời. “Không bao giờ được đưa một xác chết qua cánh cổng chỉ dành riêng cho vua chúa. Và kể cả vua chúa cũng không phải là ngoại lệ; khi nhà vua băng hà, quan tài sẽ được đẩy qua một lỗ hổng đục trên tường, sau này sẽ trám lại", Charles-Édouard Hocquard viết.
|
Điện của Thái hậu, mẹ vua Tự Đức không nằm xa hậu cung là mấy. Thái hậu rất có thế lực nên bà được phục vụ bởi một đội ngũ đặc biệt và mỗi ngày lại có một công chúa cùng ba phi đến vấn an bà. Sách đã dẫn mô tả chi tiết: “Triều đình mỗi năm cấp cho bà mười nghìn xâu tiền, một nghìn đấu gạo; cứ mười năm thì bổng lộc này lại tăng thêm năm nghìn xâu tiền. Tự Đức rất hiếu thảo với mẹ, nhà vua tới thăm thái hậu mỗi ngày, biếu bà vô số quà cáp, trò truyện ân cần và thường xin bà lời khuyên. Thái hậu dành thời gian để dạy dỗ con hát phục vụ cho nhà vua; thỉnh thoảng bà đi dạo cùng nhà vua..."
Khi nhà vua băng hà, phi tần cũng sẽ có hai số phận: Những ai thuộc cấp bậc cao nhất rút về ở trong các cung điện cạnh lăng tẩm nhà vua, và tại nơi đó, dưới sự giám sát của các hoạn quan, họ hy sinh nốt phần đời còn lại để lo hương khói cho người chồng hoàng gia. Còn những người vợ thuộc cấp bậc thấp thì được trả về nhà cho cha mẹ, nhưng dù có xinh đẹp, khéo léo đến đâu họ cũng chỉ có thể tái hôn với thường dân. Do theo quy định thì quan lại bị cấm lấy vợ là phi tần từ hậu cung ra và sự cấm đoán này bắt nguồn từ sự tôn trọng đối với vị vua quá cố, nên cuộc đời các phi tần phần lớn cuối đời đều buồn và cô độc.
Bình luận (0)