'Hoàng triều sử ký' kể chuyện triều Nguyễn

07/05/2021 06:37 GMT+7

Hoàng triều sử ký là bộ sử ngắn giản lược nhưng đã thâu tóm nội dung hơn 100 năm của vương triều Nguyễn và gần 400 năm lịch sử (từ 1533 - 1907), do Dương Lâm diễn Nôm. Tác phẩm vừa được ra mắt công chúng qua phần dịch của Nguyễn Đức Toàn, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Bộ sử với những đoạn bình, diễn thơ

Bộ Hoàng triều sử ký từng lưu giữ ở Thư viện quốc gia Việt Nam có ký hiệu R.2253, dày 51 tờ (102 trang) được viết bằng bút sắt mực xanh trên giấy thường, chấm câu mực đỏ, được nhà sưu tầm Thúc Ngọc Trần Văn Giáp chép lại; tờ 51a còn có nguyên dấu đỏ và chữ ký của cụ, hoàn thành vào tháng 4.1972. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Toàn đã dịch tác phẩm dựa trên bản chép tay này.
Dẫu là lược sử, nhưng Hoàng triều sử ký thâu tóm được những nét chính của sử triều đại, sử nước cô đọng, điểm xuyết những dấu ấn đáng nhớ khiến độc giả không dễ quên. Thêm vào đó, tác phẩm có những đoạn bình, diễn thơ giúp người đọc dễ cảm.
Nói đến Triệu Tổ Nguyễn Kim là nhớ đến công dựng lại nhà Lê Trung hưng của ngài khi lập vua Lê Trang Tông nối lại dòng dõi nhà Lê. Dương Lâm diễn thơ: “Hận Mạc thị cam lòng tiếm nước, lên Ai Lao tính ước phục thù/Tìm dòng nhà Lê dựng lấy làm vua, đánh Mạc kể hơn trăm trận/Từ đó tiếng quân lan khắp, ngọn cờ đào đã chỉ đến Tây Đô”.
Tiếp đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, ấy là công lao khai mở đất Đàng Trong gắn với lời khuyên của Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” để từ đó “Đất Thuận Hóa dõi tám truyền bởi đó/Giặc Bắc đánh tan quân Mạc/Bảo thần đà lan khắp bốn phương/Cõi Nam mở rộng đất Chiêm/Nghiệp thánh lại xây dựng muôn thủa”.
Công lao tạo lập, mở đất phương Nam của các chúa Nguyễn theo dòng thời gian nào di dân lập ấp, nào lập đồn điền thu thuế, nào dẹp yên xung đột biên thùy… cứ thế được Hoàng triều sử ký điểm qua những sự kiện cụ thể ghi dấu trong lịch sử như dẹp loạn Chiêm Thành thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, mở mang, lập sổ bộ nơi Gia Định, Biên Hòa thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu… để rồi dáng hình chữ S của đất nước được hiển hiện.

 Dương Lâm đã vượt thoát vòng kiềm tỏa của ý thức hệ. Ông có những đánh giá vượt góc nhìn của thời đại, nhất là khi thời ông sống vẫn đang là thời nhà Nguyễn

Bước qua thời các vua Nguyễn khởi từ Gia Long cho đến Thành Thái (1907), mỗi triều vua lại có những công nghiệp riêng cùng nhân vật, sự việc nổi bật được ghi lại. Khi chép đến thời vua Tự Đức về sau, ngọn bút không chỉ là chép sử mà còn là ngọn bút của con dân nước Việt đau nỗi đau nước nhà bị “bạch quỷ” xâm lăng, tiếc nuối khi những duy tân, biến pháp tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu… không được dùng.

Những đánh giá vượt thoát ý thức hệ

Có thể khẳng định ngoài Đại Nam thực lục của Quốc sử quán nhà Nguyễn viết về chính triều đại này và dĩ nhiên, phần khen cũng như biện giải cho bản triều là lẽ thường thấy, hiếm thấy cuốn sử nào viết về nhà Nguyễn mà không chê bai, trách cứ điểm này điểm nọ. Hoàng triều sử ký là một cuốn lược sử, được viết dưới lăng kính của người xuất thân Nho học nên có những điểm cố hữu thuộc về thế giới quan như tư tưởng “trung quân ái quốc”, “thiên mệnh” vẫn còn chi phối. Chẳng hạn, giải thích cho việc nước nhà rơi vào cảnh lệ thuộc thời vua Tự Đức, đem thuyết “thiên mệnh” để giãi bày: “Xem đạo trời trong mười năm thì có một lần một tiểu biến, trăm năm thì có một lần trung biến, năm trăm năm thì có một lần đại biến, nên cái thịnh suy trị loạn từ đó mà ra”.
Cũng có lúc, tác giả rơi vào tư duy huyền bí, lý số thường gặp của nhà chép sử thời xưa. Nào là chúa Nguyễn Hoàng “vào trấn Thuận Hóa đến làng Ái Tử, người ta dâng bảy chĩnh thanh thủy, là triệu [chuyện] được nước”, nào là sự biến thành Phiên An liên quan đến Tổng trấn Lê Văn Duyệt, sách nói về “thế giới bên kia”: “Khi trời tối đêm khuya thường nghe tiếng quỷ khóc, hoặc là tiếng người tiếng ngựa như là quân kéo. Những dân ở chung quanh không ai dám gần. Từ khi kéo bia đá ấy đi thì tiếng ấy mấy [mới] thôi”...
Tuy nhiên, Dương Lâm đã vượt thoát vòng kiềm tỏa của ý thức hệ. Ông có những đánh giá vượt góc nhìn của thời đại, nhất là khi thời ông sống vẫn đang là thời nhà Nguyễn. Ông nhận định, đánh giá khách quan những sai lầm của “hoàng triều” để trông mong sự đổi thay. Trong đó có sự thủ cựu không chịu kết giao, học hỏi tiến bộ của phương Tây, cứ bo bo giữ nết Khổng Mạnh đã lạc hậu: “Nước Việt Nam tưởng phú cường bởi đó/Nào ai nghĩ vận đỏ hóa ra đen/Gió Thái Tây mà ngăn đón từ đây/Cũng là sợ loài vàng chung mấy [với] trắng”. Nguyên nhân chẳng ở đâu xa, chính là tầm nhìn hạn hẹp, xa rời thực tế của những kẻ nắm vận mệnh quốc gia: “Đem sự tiền bạc đến cho mình, đem sự khôn ngoan đến cho mình, thực là những việc ích lợi. Tiếc là thủa trước các quan đều là những người thủ cựu, ai ai cũng đều xin đừng”…
Mấy ai dám nhìn trực diện thực trạng để phê phán được như thế. Đó là điểm đáng quý mà Hoàng triều sử ký có cơ sở để góp thêm quan điểm, góc nhìn trong bể sử xưa.
Mộng Thạch Dương Lâm (1851 - 1920) người Vân Đình (Hà Nội), là em của TS Dương Khuê (bạn của Tam nguyên Yên Đổ, từng được Nguyễn Khuyến viết bài thơ nổi tiếng Khóc Dương Khuê). Ông thi đỗ cử nhân năm Mậu Dần (1878) thời vua Tự Đức. Dương Lâm kinh qua nhiều chức vụ khác nhau khi làm quan như Huấn đạo, Tri huyện, Án sát, Bố chính… cho đến Tuần phủ, Thượng thư (bộ Công), Tổng đốc.
Tác phẩm của ông có thể kể đến Vịnh sử Nam, Dương thị văn tập, Vân Đình biểu văn khải trướng toàn tập… Ông còn tham gia biên soạn, hiệu đính sách chữ Hán dạy tiểu học, trung học như Ấu học Hán tự tân thư, Trung học Ngũ kinh toát yếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.