Hồn quê giữ một chút này

Đức Huy
Đức Huy
28/01/2020 08:00 GMT+7

'Bây giờ thời buổi công nghệ nên dùng máy móc, ít ai sử dụng những vật dụng dùng sức người như xưa, vì vậy họ vứt lăn lóc ngoài bờ ngoài bụi, nhìn thấy mà xót, nên tôi mới quyết định sưu tầm để giữ lại làm kỷ niệm vì nó gắn liền với tuổi thơ tôi ở làng quê'.

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Minh Nghiệp, một nhà sưu tập cối đá ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Vùng quê nơi anh Nghiệp sinh ra, lớn lên đều gắn liền với đá. Những vật dụng trong nhà đều làm từ đá, như cối xay bột, cối giã gạo… “Tuy An là vùng đất văn hóa đá với đàn đá, kèn đá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng gành Đá Đĩa. Nếu người dân cứ vứt bỏ những vật dụng làm bằng đá thì quá lãng phí. Tại sao mình không gom chúng lại để trưng bày, lưu giữ cho mai sau”, anh Nghiệp bộc bạch.

Anh Nguyễn Minh Nghiệp (bìa phải) hướng dẫn trải nghiệm với đàn đá

Từ đó, anh Nghiệp âm thầm đi khắp thôn cùng ngõ hẻm để mua lại những vật dụng làm từ đá mà người dân không sử dụng nữa. Ròng rã suốt 10 năm trời anh mới có được bộ sưu tập “Hồn quê” như ngày hôm nay, với hơn 1.000 cối xay bột làm bằng đá, các loại đàn đá, chùy đá… Ngoài ra, anh Nghiệp còn sưu tầm các loại gốm, ché rượu, cồng chiêng, đặc biệt là gốm Quảng Đức - loại gốm duy nhất chỉ có ở xã An Thạch, huyện Tuy An, một loại gốm đã thất truyền.
10 năm sưu tầm của anh Nghiệp là thời gian không ngắn và không ít tốn kém, thể hiện sự kiên nhẫn và tấm lòng của anh đối với những vật dụng thân thuộc một thời. “Nhiều người bảo tôi điên khi đi mua lại những thứ không ai dùng tới. Họ bảo điên thì điên, miễn có người bán cho mình là được. Riêng đá ở Phú Yên rất phong phú nên những vật dụng làm từ đá cũng từ nhiều loại đá khác nhau, như đá xanh, đá trắng, đá nâu… Mỗi vật dụng là một kiểu, kích cỡ vì ngày xưa người ta đục, đẽo bằng tay, tuy không tinh xảo nhưng thể hiện bằng sức người khéo léo”, anh Nghiệp cho biết.
Sau khi có bộ sưu tập khá đầy đủ, anh Nghiệp đã liên hệ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Phú Yên “xin” một vị trí trên đường vào gành Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) để làm địa điểm trưng bày. Từ khi có điểm trưng bày này, du khách ghé vào tham quan, thỏa thích chụp ảnh những vật dụng một thời gắn bó với người nông dân.
Để du khách dễ tìm hiểu về nét đặc trưng của các vật dụng xưa, anh Nghiệp đã bố trí từng khu vực, sắp đặt thành những chuyên đề riêng biệt. Anh Nghiệp nói: “Do diện tích khu đất còn quá nhỏ nên ý tưởng cũng chỉ trưng bày theo phạm vi khuôn viên. Tuy vậy, khách vào tham quan vẫn có cảm giác thoải mái bên những vật dụng thân thuộc. Họ được tự tay sờ vào, ngồi lên chúng, thậm chí tự mình đánh đàn đá”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.