Sài Gòn trong hẻm thương nhau

29/12/2019 06:16 GMT+7

Nếu người Hà Nội luôn tự hào về 36 phố phường, thì người Sài Gòn cũng có quyền tự hào về một thứ rất Sài Gòn, rất bình dị và đặc trưng của riêng mình, đó là những con hẻm.

Những con hẻm tồn tại ở trung tâm thành phố vẫn mang một vẻ mộc mạc, gần gũi - nơi mà tưởng chừng như hai chiếc xe ngược chiều không thể vượt qua nhau. Nhà cửa trong những con hẻm ở Sài Gòn san sát nhau, hai nhà chung một vách, sáng mở cửa là đụng mặt nhau, nhà hàng xóm làm gì, ăn gì cũng nghe được hết. Trưa thì đóng cửa im ỉm, vắng tanh vắng ngắt. Chỉ cần tiếng rao của người bán hàng rong đầu hẻm là những nhà cuối hẻm cũng có thể nghe thấy. Sống san sát nhau chính vì vậy mà khoảng cách giữa những người hàng xóm được kéo lại gần nhau hơn.
Bước vào một con hẻm Sài Gòn, đi thật chậm, quan sát thật kỹ, ta có thể nghe thấy hết đời sống bình dị nơi thị thành. Rất đỗi bình yên và thân thuộc.
Những con hẻm dù nhỏ nhưng đủ sức chứa vài ba quán cà phê cóc. Mấy ông già rảnh rỗi mỗi ngày sang ngồi cà phê đọc báo, bàn nhau tin tức thời sự nóng hổi trong ngày. Về chiều, các cô các bà đẩy con nhỏ ngồi trên xe đút cơm, đi hết con hẻm, vừa đi vừa trò chuyện với mấy bà hàng xóm. Mấy đứa con nít tận dụng chút không gian bày trò chạy nhảy, chơi đồ hàng. Một chiếc xe máy chạy tới, tụi nhỏ nép sát vào tường, chờ xe đi qua rồi tiếp tục cuộc vui. Tình hàng xóm, láng giềng gần nhau hơn bởi những buổi chiều như thế!
Tôi yêu những con hẻm ở Sài Gòn, nơi mà bạn có thể cảm nhận được một chút hồn quê giữa chốn thị thành náo nhiệt. Đó có thể là nụ cười của bà cụ bán xôi đầu ngõ, sẵn sàng cho thêm chút xôi, cho tôi ghi sổ mỗi khi quên tiền, cũng có thể là chị hàng xóm nhà bên, chị hay cho tôi quà vặt mỗi khi có dịp về quê.

Hẻm trên đường Bắc Hải

Sống trong hẻm, người ta hay nhìn ngó nhau. Không hiểu thì người ta đâm ra khó chịu không thích nhau. Hồi mới lên Sài Gòn, tôi thuê phòng trọ trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Đang, Q.3, mỗi lần dắt xe đi đâu, mấy cô hàng xóm hay nhìn nhìn, ngó ngó làm tôi hơi ngại, có lúc cảm thấy khó chịu. Rồi lần đó, tôi đi vội, vừa về tới nhà, thấy cô Mai hàng xóm mọi ngày hay nhìn tôi đi theo sau, cầm áo khoác màu đen, la tôi giữa con hẻm vắng: “Con nhỏ này, mới quẹo vô đầu hẻm, thấy cái áo khoác rớt giữa đường, nhìn là biết của mày rồi! Nè, cầm cho chắc vô! Con gái gì đậu quá nhen con!”. Tôi cười đỡ quê, cảm ơn cô rồi cầm cái áo khoác chạy vọt lên nhà. Từ đó về sau, mỗi lần cô nhìn tôi, tôi nhìn lại, cười nói: “Cô Mai hôm nay đi đâu mặc đẹp vậy ta!”. Đó, Sài Gòn trong hẻm thương nhau có thua gì dưới quê.
Ở Sài Gòn, đâu ai đếm được thành phố rực rỡ phồn hoa này có bao nhiêu con hẻm. Từ những con hẻm ngoằn ngoèo thông với nhau như một kiến trúc tổ kiến phức tạp, cho đến những con hẻm cụt, nơi mà một khi đã vào rồi thì việc quay đầu xe cũng trở nên khó khăn. Lại có những con hẻm cùng quán cà phê thơ mộng với một chút nhạc Trịnh có thể dễ dàng khiến chúng ta hoài niệm về những giá trị xưa cũ; hay những con hẻm tập trung sinh viên, dân lao động nghèo với những dãy trọ sát nhau...
Sài Gòn có những con hẻm rất đặc trưng, trở thành địa danh nổi tiếng, làm nên nét văn hóa cho thành phố này. Từ những con hẻm ẩm thực trong chợ 200 Thước (Q.4), hẻm Hào Sĩ Phường (Q.5) đầy chất nghệ thuật của phố người Hoa cho đến con hẻm đầy yêu thương được người ta đặt tên là hẻm “Ông Tiên” - nơi 30 năm nhân ái giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ. Trà đá, xe ôm, vá ép, thuốc chữa bệnh cho người nghèo… tất cả đều miễn phí giữa đất Sài Gòn đắt đỏ. Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng điều đó là sự thật: sự tử tế và tình người rõ nét trong những con hẻm Sài Gòn.
Trong những con hẻm ngoằn ngoèo, cuộc sống diễn ra bình yên và nhẹ nhàng, đối lập hoàn toàn với không khí vội vã bên ngoài.
Ở đây, cuộc sống ngày ngày vẫn diễn ra. Nơi đó, là mái ấm, là chốn đi về của hàng triệu cư dân Sài thành. Ở đó, có tình làng nghĩa xóm, có sự quan tâm nhau giữa những người xung quanh. Dòng chảy vẫn bất tận và những con hẻm Sài Gòn vẫn mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân thương!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.