Ít ỏi phim hài Việt trên truyền hình

Ngọc An
Ngọc An
20/06/2020 06:50 GMT+7

Phim hài là thể loại rất được khán giả ưa chuộng, nhưng lâu nay “món” này ít được “chế biến” trên màn ảnh nhỏ Việt Nam.

Mặc dù khó có thể thỏa mãn “gu” hài của tất cả đối tượng người xem, nhưng bộ phim Nhà trọ Balanha đã khiến nhiều khán giả cười “không ngậm được mồm”. Sức hút của bộ phim phần nào cho thấy nhu cầu “được” cười của khán giả với phim truyền hình. Tuy vậy, Nhà trọ Balanha (đạo diễn: Khải Anh) lại nằm trong số hiếm hoi những bộ phim truyền hình đậm đặc màu sắc hài hước được sản xuất trong thời gian gần đây.

Không dễ giữ chân khán giả

Biên kịch Lại Phương Thảo kể chị đã “méo mặt” khi được giao nhiệm vụ Việt hóa kịch bản cho bộ phim Nhà trọ Balanha. “Tôi không tự tin lắm vì không biết những tình huống hài hước vượt không gian và thời gian, vượt ra khỏi logic thông thường... liệu có được khán giả đón nhận”, Lại Phương Thảo nói. Chính nhờ sự “chịu chơi” của nhà sản xuất (Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam - VFC) trong việc thể nghiệm loại hình mới, chị cùng nhóm biên kịch thấy có thêm hào hứng và động lực.
“Việc liên tục đa dạng hóa đề tài, thể loại là điều mà VFC vẫn thực hiện nhiều năm trở lại đây. Chúng tôi cố gắng để khán giả sẽ được xem nhiều bộ phim hay, phù hợp nhu cầu thưởng thức của các đối tượng, tầng lớp khác nhau”, đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải (Giám đốc VFC) chia sẻ. “Sau Nhà trọ Balanha, sẽ còn những bộ phim hài khác, nhưng phải thừa nhận, làm một phim hài duyên dáng với các nhân vật đáng yêu như đạo diễn Khải Anh làm với Nhà trọ Balanha quả là không dễ”, ông Hải nhìn nhận.
Ngoài phim hài tết, VFC chưa thực hiện nhiều phim truyền hình thể loại hài so với những thể loại khác. “Đúng là làm phim hài rất khó vì nếu không xử lý khéo, sẽ bị lố, tình huống gượng gạo… Chưa kể, chúng tôi thường đặt ra những yêu cầu về những thông điệp tích cực cần chuyển tải đến khán giả qua mỗi bộ phim”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Mega GS, nhiều năm nay, một nhà sản xuất như bà gần như không làm phim truyền hình hài mà chủ yếu là phim tâm lý xã hội. “Làm phim hài muốn giữ khán giả không dễ”, bà Liên nói. Bà lý giải, một bộ phim ở thể loại tâm lý sẽ dễ “kéo” khán giả xem từ tập này sang tập khác bởi sự tò mò về câu chuyện. Nhưng với phim hài, để khiến khán giả cười trong suốt mấy chục tập phim là việc khó. Theo bà, phim truyền hình trong đó đan xen một số yếu tố hài thường được nhiều nhà sản xuất lựa chọn hơn là làm nguyên bộ phim hài.

Cần nhiều yếu tố

Một số phim truyền hình mang nhiều yếu tố hài được sản xuất trong thời gian qua có thể kể đến Cô Thắm về làng, Dù gió có thổi, Gạo nếp gạo tẻ, Những nàng dâu nổi loạn, Gia đình là số 1, Oan gia bùm chéo, Sui gia đại chiến… Mặc dù số lượng phim truyền hình hài chưa nhiều, nhưng nhiều bộ phim đã hấp dẫn khán giả.
Nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên cho rằng, phim hài vừa “kén” cả kịch bản, lẫn đạo diễn. “Kịch bản phim hài kiếm cũng khó. Mà kịch bản viết ra là một chuyện, còn để đưa lên phim, tạo ra tiếng cười duyên dáng lại là chuyện khác”, bà nói. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải lý giải việc số lượng phim hài còn ít cũng bởi “trước hết là từ nguồn kịch bản thể loại hài rất khó viết, sau đó đến yếu tố dàn dựng của đạo diễn”.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải: “Nói chung, không nhất thiết phải dồn sức vào làm phim hài, nếu như các yếu tố cần thiết còn hạn chế. Tiếng cười mà không gắn với nội dung, tình huống thì cũng không nên khuyến khích khai thác quá nhiều”. Ông Hải cho rằng, có nhiều cách “xử lý” để mang đến tiếng cười cho khán giả khi xem phim truyền hình, như để những yếu tố hài hước len lỏi, đan xen vào những bộ phim tâm lý. “Đó vừa là gia vị giúp bộ phim có tính giải trí cao, vừa tạo ra những bất ngờ cho tình huống và khai thác những kiểu nhân vật khác thường một chút để hỗ trợ cho tuyến truyện phim”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Sau thành công từ bộ phim mang nhiều yếu tố hài như Nhà trọ Balanha được “remake” (làm lại) từ kịch bản của một bộ phim Hàn Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu có nên tiếp tục “mua” kịch bản phim hài nước ngoài để làm lại? “Chúng tôi không quá đặt nặng yếu tố “remake” vì coi đó là một hoạt động bình thường. Các nước có nền phim ảnh phát triển trên thế giới vẫn thường xuyên mua bản quyền kịch bản để làm lại. Vấn đề là kịch bản của một bộ phim mới có điều gì hấp dẫn để chúng tôi quyết định đầu tư sản xuất, việc “remake” đó được làm theo cách nào, khán giả sẽ cảm nhận được thông điệp gì ý nghĩa từ bộ phim”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, VFC lâu nay vẫn kiên định việc giữ chất lượng nội dung nghệ thuật là yếu tố tiên quyết thu hút khán giả. “Vì thế, một bộ phim gây hiệu ứng tiếng cười chưa phải là lý do duy nhất chúng tôi lựa chọn để sản xuất, mà còn phải có những thông điệp nhân văn”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.