Khôi nguyên vọng cổ, NSƯT Minh Vương: Còn sức còn hát!

Tố Tâm
Tố Tâm
09/12/2018 06:54 GMT+7

Ở tuổi 68, NSƯT Minh Vương vẫn trẻ trung, giọng ca vẫn khỏe khoắn cao vút và luôn tìm kiếm những sáng tạo mới để cải lương đến gần giới trẻ hơn.

Khôi nguyên vọng cổ khi mới 14 tuổi
Thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương, cho đến giờ chất giọng đặc biệt của ông vẫn luôn được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Xin được hỏi, ông đã đến với cải lương như thế nào?
Hồi đó tôi học ca cổ nhạc ở trường dạy đờn ca tài tử của thầy Bảy Trạch, ông cũng là thầy đờn của đoàn cải lương Kim Chung. Tôi nhớ lúc ấy tôi mới 12 - 13 tuổi, còn đang đi học chữ và rất thích nuôi cá lia thia. Mỗi lần đi vớt lăng quăng cho cá ăn, tôi thường đi ngang lớp học của thầy ở dưới dốc cầu chữ Y, Sài Gòn. Đứng xem thầy dạy đờn ca, tôi thích quá nên ngày nào đi ngang cũng ghé để nghe ca. Một lần tôi vô xin thầy cho tôi thử giọng, cũng ca đại lên thì thầy bảo giọng tôi tốt, thôi để thầy dạy cho. Trong quá trình học, thầy bảo: “Giọng con có tương lai lắm, thầy dạy không lấy tiền đâu!”.
Ông luyện ca bao lâu thì đi thi Khôi nguyên vọng cổ?
Tôi học ca với thầy đến năm 14 tuổi. Lúc đó cứ 4 năm ở Sài Gòn có tổ chức thi vọng cổ một lần tại rạp Quốc Thanh, ở đường Nguyễn Trãi bây giờ. Trong lớp học ca có mấy anh em đều ca tốt nhưng thầy lại chọn tôi đi thi, dù khi đó mới 14 tuổi nhưng tôi đã đoạt được giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964.
Như vậy sau khi đoạt giải, ông xem như đã chính thức bước chân vào sân khấu cải lương?

Phải để cho khán giả thấy cải lương cũng đã mới mẻ, trẻ trung, cũng cố gắng bắt nhịp với thời đại chứ không phải vẫn mang định kiến là xưa cũ, bi lụy

Đúng vậy. Từ giải đó, ông bầu Long ở đoàn Kim Chung mời tôi ký giao kèo được 10.000 đồng, tôi gửi đền ơn lại thầy Bảy Trạch 5.000 đồng, về tặng cho má tôi 5.000 đồng. Nhưng thời gian đầu khi mới vào đoàn cải lương Kim Chung, tôi hơi khó đóng vai vì 14 tuổi không thể đóng kép chính, còn kép con thì lại hơi lớn. Khi đó, ông bầu Long mới nói tác giả viết cho tôi từ trong chạy ra ca 2 - 3 câu vọng cổ, diễn chút chút. 2 - 3 năm sau, khi lớn trổ mã thành thanh niên thì tôi mới được đóng kép. Khi trưởng thành, tôi đóng chính các vở như Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Nước mắt người xưa, Đường gươm Nguyên Bá... từ đó được khán giả thích và nổi tiếng.
Nghệ sĩ phải đa tài
Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm làm nghề đến giờ, những vai diễn nào ông cảm thấy yêu thích nhất?
Tôi thích vai Tần Lĩnh Sơn trong vở Đêm lạnh chùa hoang, vai Tùng trong Nửa đời hương phấn, vai Võ Minh Luân trong Đời cô Lựu, vai Minh trong Tô Ánh Nguyệt, vai Nguyễn Trãi trong Rạng ngọc Côn Sơn… Và mới đây là vai cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong Tổ quốc nơi cuối con đường dù vai diễn chỉ 4 - 5 phút. Tôi rất mừng khi được mời vào vai này vì cảm thấy vai diễn rất có ý nghĩa khi hình ảnh cụ phó bảng được xuất hiện trên sân khấu cải lương một cách rất trang trọng, ca vọng cổ, hát bài bản về những lời răn dạy đầy giá trị để lại cho con cháu, hậu thế sau này.
Ông thường thể hiện các vai kép trẻ đẹp, nhưng hai lần thể hiện vai lão lại là những vai ông yêu thích nhất. Vì sao như vậy?
Khôi nguyên vọng cổ, NSƯT Minh Vương: Còn sức còn hát!1
Vai diễn trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường của NSƯT Minh Vương ẢNH: TỐ TÂM
Tôi đóng vai lão đầu tiên là trong vở Rạng ngọc Côn Sơn. Khi đó tôi chỉ chừng 30 tuổi. Ban đầu đạo diễn là anh Đoàn Bá định để tôi đóng một vai kép trẻ trong vở. Sau khi mượn kịch bản về đọc, hôm sau tôi đã đề nghị anh ấy để tôi thử một lần đóng vai già là vai Nguyễn Trãi. Anh Bá ban đầu cũng còn chần chừ, hỏi tôi đóng vai già vậy được không. Tôi nói: “Dạ, em cũng học hỏi, trước giờ em đóng kép trẻ nhiều rồi, giờ cho em thử vai già đi”. Và vai đó của tôi cũng đã được nhiều khán giả yêu thích. Vai lão thứ hai chính là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tôi nghĩ nghệ sĩ phải đa tài, phải học hỏi từ các loại vai chứ không nên câu nệ vai già hay trẻ, đẹp hay xấu, diễn ít hay nhiều trong vở.
Mấy năm gần đây ông gây chú ý với việc biểu diễn các bài tân cổ giao duyên tân thời khi kết hợp cổ nhạc cùng những bản nhạc trẻ có tiết tấu và nội dung hiện đại. Xin được hỏi ý tưởng này của ông xuất phát từ đâu?
Ý tưởng đó của tôi xuất phát từ sau lần bạo bệnh năm 2012, được ghép thận rồi khỏe lại. Khi ấy tôi cũng sắp gả con gái. Tình cờ tôi thấy các bạn trẻ hát bài Con bướm xinh, với lời lẽ hay và trẻ trung, tôi rất thích. Trong một lần uống cà phê với soạn giả Đăng Minh, tôi đã đề nghị viết cho tôi bài vọng cổ từ bài Con bướm xinh đó, vì tôi muốn hát bài đó trong lễ cưới của con gái. Vả lại sau cơn bệnh, bạn bè, khán giả chắc nghĩ tôi không ca nổi nữa nên tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó mới mẻ, khỏe khoắn, để mọi người không cảm thấy lo lắng cho bệnh của mình, thấy tinh thần mình vẫn trẻ trung.
Sau bài đầu tiên đó, tôi thấy được mọi người ủng hộ nên ra tiếp các bài khác, tính đến giờ đã được khoảng 10 bài, lấy rock, rap, nhạc trẻ đưa vào bài ca cổ như Bạc trắng tình đời, Thao thức vì em, Lý con cóc, Nhỏ ơi, Vợ người ta, Tiên ở nơi đâu, Thằng Bờm, Túy Ca… Tôi cảm thấy cách làm này sẽ giúp cải lương trẻ trung hơn, thu hút khán giả trẻ nhiều hơn.
NSƯT Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1950, quê ở Long An. Điểm đặc biệt của giọng ca Minh Vương là rất ngọt ngào và làn hơi cao, khỏe rất đặc trưng, khó thể lẫn lộn. Minh Vương nổi tiếng qua nhiều vai diễn trong các vở cải lương trước và sau năm 1975 như Kiếp nào có yêu nhau, Người tình trên chiến trận, Xin một lần yêu nhau, Nửa đời hương phấn, Đường gươm Nguyên Bá, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Rạng ngọc Côn Sơn… và nhiều bài tân cổ giao duyên. Năm 2007, nghệ sĩ Minh Vương được nhận danh hiệu NSƯT. Cuối tháng 7 vừa qua, NSƯT Minh Vương được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước lĩnh vực sân khấu công nhận đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu NSND năm 2018, vì tài năng và những đóng góp, cống hiến cho sân khấu cải lương suốt hơn 50 năm.
Các bài tân cổ giao duyên tân thời này là do ông hay soạn giả Đăng Minh đề xuất chọn nhạc trước?
Tôi nghe bản nhạc nào thấy thích và hợp giọng của mình thì bàn với Đăng Minh, nên có bài tôi đề nghị Đăng Minh viết, còn có bài Đăng Minh chủ động đề xuất. Hai anh em cùng kết hợp để ra bài mới.
Sắp tới ông có dự định ra mắt thêm các bài tân cổ giao duyên nào mới không?
Tôi cũng đang nhờ Đăng Minh viết 2 bài là Áo dài Hủ tiếu gõ, chờ nhạc sĩ Thái An đi nước ngoài về sẽ bắt đầu thu. Cứ khoảng một năm hay năm rưỡi tôi sẽ ra mắt 2 bài tân cổ giao duyên mới.
Ông có nghĩ đây là một sáng tạo mới cho cải lương?
Tôi luôn luôn thích sáng tạo trong cách hát của mình. Không phải đến bây giờ tôi mới nghĩ đến sự sáng tạo mà trước đây, tôi cũng đã tìm tòi những cách luyến láy, kéo cao giọng khi hát. Tôi nhớ trước năm 1975, khi hát Đường gươm Nguyên Bá, tôi cũng đã có sáng tạo khi hát cổ nhạc liền vào ngay luôn chứ không ngưng lại như kiểu chân phương, truyền thống.
Sau này khi tôi ca các bài tân cổ giao duyên mới đều theo kiểu đó.
Trong các vở cải lương cũng vậy, tôi cũng thường đề xuất những sáng tạo thêm cho vở. Như vở Đời cô Lựu, có một đoạn mà khán giả có lẽ ai cũng nhớ và ấn tượng là khi nhân vật Võ Minh Luân tôi đóng gặp lại ba ruột của mình và ca bài Văn thiên tường - lớp dựng: “Ba hỡi ba ơi…”, trong kịch bản đâu có. Khi ấy tôi góp ý là đứa con này xưa giờ ở nông thôn, dưới quê đó giờ đâu biết kêu tiếng ba là gì, thì bây giờ phải cho nó kêu tiếng ba, kêu thất thanh lên vì mừng quá, không ngờ mình có ba. Tác giả đồng tình và khán giả rất thích đoạn đó.
Rồi trong vở Tô Ánh Nguyệt, khi tôi đến thăm Tô Ánh Nguyệt lúc về già để nói lời ân tình, lời xin lỗi, trong kịch bản ban đầu đâu có đoạn tôi sẽ ca: “Anh đang cúi đầu chờ ân huệ, em rộng lòng tha thứ cho anh…”. Tô Ánh Nguyệt lúc đó sau khi nói những lời trách cứ thì nhân vật của tôi xem như đã… cứng miệng rồi, khó thể nói thêm lời phân trần gì nữa nên tôi đã đề xuất tác giả viết bài Nặng tình xưa hát sẽ hợp với hoàn cảnh của hai người lúc ấy.
Để thu hút giới trẻ
Khôi nguyên vọng cổ, NSƯT Minh Vương: Còn sức còn hát!2
NSƯT Minh Vương (thứ 2 từ trái sang) tại lễ trao giải Chuông vàng vọng cổ 2018 ẢNH: TỐ TÂM
Cải lương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, ông nghĩ những sáng tạo của mình liệu có thu hút khán giả trẻ hơn không?
Tôi thấy cái quan trọng nhất bây giờ là phải có chỗ diễn, có nhà hát cải lương đàng hoàng để nghệ sĩ có nơi để diễn, khán giả có chỗ đến xem. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ, bù lỗ giúp nghệ sĩ theo đuổi, tận tâm tận sức với nghề. Các vở tuồng cũng nên để nhân vật hát nhiều hơn là nói, ngoài vọng cổ thì còn rất nhiều bài bản khác trong cải lương, mình có thể dùng thay cho các câu nói để khán giả nghe ca được nhiều sẽ thích hơn.
Tôi không nghĩ khán giả đang bỏ cải lương, bằng chứng là khi tôi đi diễn, hát cổ nhạc vẫn được khán giả rất ủng hộ. Cái cần làm là phải để cho khán giả thấy cải lương cũng đã mới mẻ, trẻ trung, cũng cố gắng bắt nhịp với thời đại chứ không phải vẫn mang định kiến là xưa cũ, bi lụy.
Khôi nguyên vọng cổ, NSƯT Minh Vương: Còn sức còn hát!3
Minh Vương khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964 ẢNH: NVCC
Ông nghĩ gì về thế hệ nghệ sĩ trẻ bây giờ?
Các nghệ sĩ trẻ có nhiều giọng ca phong phú. Ví dụ ở giải Chuông vàng vọng cổ lần thứ 13 vừa rồi, tôi thấy các em ca có cái mới, có sáng tạo.
Vọng cổ mình phải có sáng tạo trong cách ca, cách trầm bổng, lên cao xuống thấp, luyến láy phải đặc biệt, biến hóa để hát hay. Tuy nhiên các em hiện nay còn thiệt thòi là ít có sân khấu để ca, diễn thường xuyên, rèn luyện nghề.
Còn về bản thân mình, ông có nghĩ mình sẽ theo đuổi cải lương đến khi nào không?
Tôi còn sức bao nhiêu thì sẽ vẫn còn hát cho sân khấu cải lương, hết lòng vì khán giả bấy nhiêu!
Xin cảm ơn ông! 
NSND Bạch Tuyết
ẢNH: KHÁNH AN
Giọng ca ngoại hạng
Với anh Minh Vương, tôi vừa là đồng nghiệp, vừa là một fan của anh ấy. Tôi rất ngưỡng mộ giọng ca của anh Minh Vương lẫn tư cách làm nghề.
Đó là một giọng ca ngoại hạng, 100 năm cải lương khó kiếm.
Đặc biệt, sự nghiêm túc và đổi mới trong cách làm nghề của anh là tuyệt vời!
NSND Bạch Tuyết
Chứng minh cải lương không bao giờ cũ
Soạn giả Đăng Minh
ẢNH: T.L
Nói về các bản tân cổ giao duyên kiểu mới, anh Minh Vương thường bảo đây là chúng ta làm thêm chứ không hề phũ bỏ cái cũ, vốn vẫn giữ giá trị và cái hay riêng của nó. Phải chinh phục giới trẻ, chứng minh cải lương không bao giờ cũ.
Những bài đó khi anh đi hát đều thành công, một phần do hiệu ứng của bài tân nhạc, nhưng cũng nhờ anh Minh Vương biết cách làm cho giữa tân với cổ không bị chỏi.
Bởi lẽ, anh có làn hơi chuẩn, nhịp chắc nên chuyển từ giai điệu này sang giai điệu khác không bị đâm hơi, những giọng ca không đủ lực sẽ không làm được. Đặc biệt, anh thường ca không giữ nguyên tông gốc mà ca hơn mấy tông. Muốn ca giống anh không dễ!
Soạn giả Đăng Minh 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.