Không còn khái niệm bài hát trước 1975 và nghệ sĩ Việt kiều

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/11/2018 06:22 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều 14.11, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) Nguyễn Quang Vinh cho biết sẽ không còn khái niệm bài hát trước 1975 trong dự thảo nghị định quản lý nghệ thuật biểu diễn.

Ngành văn hóa đang soạn dự thảo nghị định để quản lý nghệ thuật biểu diễn. Xin ông cho biết theo dự thảo, việc cấp phép cho nghệ sĩ Việt kiều sẽ như thế nào?
- Hiện nay luật lại tách ra là người VN định cư ở nước ngoài và người nước ngoài. Đó là quá trình lịch sử. Vì vậy, hai điều kiện có hơi vênh. Do đó, khi xây dựng nghị định, chúng tôi không muốn phân biệt người VN ở nước ngoài và người nước ngoài, còn người VN định cư ở đâu vẫn là người VN. Người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài bất kể sống ở đâu thì mới thống nhất và thuận lợi cho việc xây dựng nghị định. Trong xu hướng cải cách hành chính nói chung thì có gì đơn giản được thì nên thay đổi.
Tăng quyền cho địa phương
* Khi thay đổi như thế này, lượng người thụ hưởng chính sách mới có nhiều không?
- Cũng mức độ thôi. Nhưng trong đó có người VN định cư ở nước ngoài, một số ca sĩ, nghệ sĩ phía nam, một số ra đi trước năm 1975. Lịch sử không thể chối cãi và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, để người dân có quyền hưởng thụ giống nhau, người trực tiếp tham gia nghệ thuật là ở Mỹ hay Nga, nam hay bắc đều có quyền chung giống nhau.
Vì vậy, xây dựng nghị định cũng nên hướng tới điều công bằng đó để thuận tiện hơn cho quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ có quyền chủ động và chịu trách nhiệm. Cá nhân, tổ chức tham gia hành nghề cũng được chọn những sản phẩm phù hợp với mình. Người dân cũng có quyền lựa chọn tác phẩm, không phải chờ nhà nước cho cái gì, không cho phép cái gì.
Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro. Cho nên, phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Phòng ngừa ở đây là khi phân quyền như vậy, địa phương có quyền cấp phép biểu diễn cho đoàn nước ngoài thì họ phải đủ nguồn nhân lực, đủ trình độ để quyết đoán, chứ không nên chỉ chờ trên bảo gì làm đấy. Chúng ta cũng sẽ có những tiêu chuẩn quy định để cơ quan quản lý có quyền căn cứ để thi hành. Tại sao cho người ta quyền mời cả đoàn nghệ sĩ nước ngoài, nhưng lại không cho họ mời nghệ sĩ VN ở nước ngoài. Nhìn chung, chúng tôi muốn tăng quyền cho địa phương.
Không còn khái niệm bài hát trước 1975 và nghệ sĩ Việt kiều1
Nguyễn Quang Vinh
“Đang đề ra phương án đưa ra tiêu chí cấm”
* Còn việc cấp phép cho những bài hát sáng tác trước 1975. Khi tổ chức lấy ý kiến, các ý kiến có khác biệt rõ ràng hay không?
- Khi chúng tôi lấy ý kiến, có ý kiến vẫn muốn tiếp tục quản lý cấp phép nhưng ít thôi, rơi vào một số địa phương xa xôi và họ chưa tự tin trong việc này. Nhưng một số địa phương lớn, có đủ năng lực thì lại khác, họ tin có thể thẩm định được. Chưa kể, không phải bài hát đã được cấp phép thì hát ở đâu cũng được vì còn phụ thuộc vào tính chất văn hóa của không gian hát nữa. Giao quyền cho địa phương để tự quyết việc bài hát nào phù hợp không gian ở đấy, vào thời điểm nào. Nếu nói cứ bài hát Bộ cấp phép thì có thể hát bất cứ đâu thì hơi vô cảm với nghệ thuật.

Chúng tôi đang đề ra phương án đưa ra tiêu chí cấm. Bất kể bài nào phạm những điều này sẽ không được hát. Bài hát trước hay sau năm 1975 đều như vậy. Các sản phẩm nếu có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng

Mở rộng hơn là sẽ không còn bài hát trước hay sau năm 1975 nữa. Chúng tôi xây dựng việc mở rộng giới hạn không gian, thời điểm. Bởi, nếu trước năm 1975, hay sau năm 1975, hay thậm chí ngay ngày mai không phù hợp thì cũng không hát. Mà không phải chỉ người Việt định cư ở nước ngoài mà ngay cả người trong nước cũng không cho hát nếu tác phẩm không phù hợp.
* Chúng ta sẽ lên danh sách bài hát bị cấm, hay lên danh sách những bài hát được cấp phép?
- Đây chính là việc ý kiến tranh luận nhiều nhất. Nếu chọn những bài cho hát, có nghĩa là chỉ hát những bài được cho. Điều đó còn khắt khe hơn cả việc cấp phép. Chúng tôi đang đề ra phương án đưa ra tiêu chí cấm. Bất kể bài nào phạm những điều này sẽ không được hát. Bài hát trước hay sau năm 1975 đều như vậy. Các sản phẩm nếu có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng.
* Còn vấn đề thuần phong mỹ tục thì sao, thưa ông?
- Có ý kiến cũng cho rằng nên thêm việc thuần phong mỹ tục vào. Thực ra, thuần phong mỹ tục là cái rất cảm tính. Trong tương lai, có thể bỏ quy định này còn bây giờ thì tạm thời chưa. Có những bài hát không phản động, không chửi bới cá nhân nhưng nó dung tục. Nếu không có cụm từ này thì khó.
* Quay lại vấn đề bài hát trước 1975, sẽ vẫn có ý kiến cần an toàn cho người cấp phép, họ muốn chỉ cho hát những bài đã cấp phép chứ?
- Đưa ra giải pháp thăm dò, chúng tôi đặt vấn đề không còn khái niệm bài hát trước 1975, không nên đặt khái niệm người VN định cư ở nước ngoài… Tóm lại, các sản phẩm lưu hành ở VN phải là các sản phẩm không có nội dung bị cấm như nêu trên. Số đông là đồng ý với chúng tôi. Cơ bản nhất trí, tỷ lệ chỉ khoảng 20% cho rằng nên xem xét, nhỡ để xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm. Ý kiến đó không phải là xấu. Tuy nhiên, tôi nghĩ 49 người thì phải nghe 51 người.
* Những người tham gia khảo sát là đối tượng nào thưa ông?
- Đó là người của các sở VH-TT, sở VH-TT-DL, các doanh nghiệp văn hóa, đối tượng chịu sự tác động là doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề liên quan, thậm chí cả nghệ sĩ.
* Như vậy, yêu cầu về hậu kiểm sẽ tăng lên?
- Như thế phù hợp hơn. Người dân và doanh nghiệp không cần phụ thuộc chờ trên cho cái gì, họ được tự lựa chọn.
* Nhưng bộ máy của chúng ta mỏng để hậu kiểm, thưa ông?
- Theo tôi, trong các quy định về xử phạt cũng nhẹ. Có khi chỉ phạt 2 triệu đồng nếu vi phạm. Chúng ta cần làm theo hướng các tổ chức nếu xảy ra có nội dung vi phạm có thể bị tước giấy phép. Hoặc có thể có những quy định về thế chấp. Chưa kể, địa phương nào cũng có hội đồng, có nghệ sĩ nên khi cấp phép họ hoàn toàn có thể thẩm định được bài hát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.