'Làng xứ Quảng' đậm tính cách Quảng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/03/2021 05:59 GMT+7

“Quảng Nam hay cãi” . Lâu nay vùng đất “ngũ phụng tề phi” được biết đến với câu đúc kết nổi tiếng, đến mức trở thành thương hiệu “không đụng hàng” hồi nào chẳng hay, từ câu chuyện về Thừa tướng Thượng tể Nguyễn Văn Lang (ở làng Hương Quế, xã Quế Phú, H.Quế Sơn ngày nay) dám… cãi lại vua.

Tuy nhiên, không chỉ có… “đặc sản cãi” mà lần đọc những trang viết trong cuốn sách mới nhất Làng xứ Quảng (NXB Trẻ vừa ấn hành, ảnh) của nhà văn - nhà báo Trương Điện Thắng, mảnh đất miền Trung đầy nắng gió và chịu thương, chịu khó lại có thêm nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, những phong tục xưa cũ còn - mất trong sự phát triển hiện đại từ làng lên phố.
Câu nói của người xưa “đất có lề, quê có thói” trong “văn hóa làng, xã” thể hiện rất rõ nét ở Quảng Nam. Tác giả Trương Điện Thắng ghi nhận trong sách: “Dòng tộc và làng xã là hai yếu tố gắn liền nhau trong nhiều thế kỷ ở Quảng Nam và nhiều tỉnh xứ Đàng Trong. Cho dù các tộc “tiền hiền” ban đầu chỉ gồm một hai người đến khai khẩn ruộng đất, nhưng khi đã an cư thường về quê cũ đưa phần mộ của cha mẹ và dẫn dắt bà con anh em cùng đến. Cư trú theo quan hệ thân tộc là đặc điểm khác của các làng ở Quảng Nam. Ở làng, con người không chỉ tồn tại tư cách cá nhân độc lập mà các hành vi luôn luôn bị chi phối từ đời sống đến các mối quan hệ khác… nên phải điều chỉnh để không bị mang tiếng”.
Với món mì Quảng nổi tiếng, nhà văn Trương Điện Thắng phát hiện: “Không cần đến nhưn là bò hay gà mới ăn được như bún, phở. Bắt được con ếch, con rắn, con cá, con tôm trên đường đi, hay con vịt, con ngan trong vườn nhà, thậm chí con sứa dưới biển… cũng có thể làm một bữa mì, không nề hà chi. Thiếu chất béo thì bỏ thêm một nhúm đậu phụng. Thiếu chất tươi thì hái tạm mớ rau rừng. Độ biến tấu biết bao nhiêu mà kể”.
Bằng tình yêu tha thiết với nơi quê hương “chôn nhau cắt rốn”, bàng bạc trong tác phẩm của nhà văn Trương Điện Thắng là sự hoài niệm về quá khứ, đan xen hiện tại và tương lai. Đó là những bài viết tuôn tràn cảm xúc của một người từng có một trời tuổi thơ và ngay cả khi về hưu cũng luôn gắn bó với các di tích và những tập tục xưa cũ: Ghi chép trước cổng làng, Di tích Chăm ở Thanh Quýt, Gia phả chứa đựng những di tích ở nông thôn, Ranh giới Điện Bàn ngày xưa, Việc làng, Chạp mả... để rồi ông trải qua bao trăn trở, lo toan trước “cơn bão” đô thị hóa bằng nhiều bài viết: Làng có con trong đô thị, Từ lúa đến làng, Thương nhớ đồng dao, Đường bê tông và nhà ống, Chun tĩn của một thời, Những con đường trong ký ức…
Khác với những cuốn sách chuyên sâu về khảo cứu xuất bản gần đây, Làng xứ Quảng là tập hợp rất “nhiều thứ trong một”. Dù mọi thứ đều xoay quanh việc làng nhưng cái tài của nhà văn Trương Điện Thắng là đã khéo léo gắn xưa vào nay, nối kết con người và làng vào chuyện thời cuộc, trong sự phát triển đi lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.