Đây là nghĩa phái sinh lâu đời nhất, vì ngoài ra còn có nhiều nghĩa phái sinh khác ra đời mãi về sau với sự phát triển của cơ khí và công nghệ. Chúng tôi đã không nói đến những nghĩa này. Có một số bạn đã bổ sung trên Facebook.
Quốc Thái Phạm: “Trong ngành cơ khí, người miền ngoài gọi là “vam ba càng”, thì miền trong gọi là cảo ba chấu”.
Phạm Toàn: “Trong kỹ thuật, từ chấu được xài rất nhiều: Mâm kẹp 3 chấu, 4 chấu...”.
Phùng Nam Thắng: “Trong kỹ thuật, chấu sử dụng rất nhiều, ví dụ mâm cặp 3 chấu, 4 chấu (máy tiện); giò dĩa 4 chấu, 5 chấu (xe đạp); chấu móc lưỡi cưa (trong cưa sắt); tua vít 4 chấu (vít philip)”.
Nguyễn Thành Công: “Tôi thấy người ta cũng hay dùng từ này ở chữ phích cắm hay thiết bị kỹ thuật gì đó: 2 chấu, 3 chấu... có lẽ cũng gần nghĩa móng vuốt như bác An Chi đã giảng”.
Xin cảm ơn các bạn, chúng tôi cũng biết rằng ngoài nghĩa phái sinh mình đã nêu thì còn có những nghĩa khác nữa. Ở đây chúng tôi chỉ muốn dành riêng cho cái nghĩa “đặc dụng lâu đời” kia một vị trí đặc biệt về ngữ nghĩa mà thôi. Nó là cái nghĩa phái sinh đầu tiên của từ chấu.
Riêng có một bạn đã nêu cách hiểu ngữ vị từ dính chấu như sau: “Chạy xe 2 thì, bực nhất là chuyện pha nhớt vào xăng, nếu không đúng tỷ lệ, bugi rất dễ bị đóng muội ở chấu bugi. Dân chơi xế thường gọi là đóng chấu hoặc dính chấu. Ý nghĩa của nó tương đương với từ “mất lửa” bây giờ”.
Chúng tôi xin khẳng định rằng dính chấu mà hiểu theo nghĩa “mất lửa” thì tuyệt đối không liên quan gì đến nghĩa “bị lừa gạt, sa bẫy, mắc mưu”. Chỉ có nghĩa này mới hoàn toàn thích hợp với đoạn văn đã trích dẫn từ tác giả Nguyên Hùng mà thôi.
Ngoài ra, cụm từ giải thích dính chấu là để chỉ hiện tượng “bugi rất dễ bị đóng muội ở chấu” còn là một cấu trúc không chuẩn về mặt cú pháp - ngữ nghĩa.
Ở đây, chấu là vật thể nằm trong thế bị động giống như áo, mặt, tóc trong dính áo, dính mặt, dính tóc... Cái thứ dính vào áo, vào mặt, vào tóc có thể là bụi, là mực, là phấn... Còn cái thứ dính vào chấu của bugi ở đây là khói, là muội. Cho nên cách nói đúng chuẩn phải là dính khói, dính muội để chỉ hiện tượng “chấu của bugi bị khói, bị muội đóng thành một lớp bẩn khiến dễ gây ra hiện tượng mất lửa” chứ dứt khoát không thể nói là “dính chấu”. Với ngữ vị từ dính chấu đúng chuẩn thì chấu không bị dính bất cứ thứ chất liệu gì vì chỉ có con vật bị nạn “dính” vào chấu (tức móng, vuốt) của con vật săn mồi mà thôi. Từ đó mới có cái nghĩa bóng là “bị lừa gạt, sa bẫy, mắc mưu”.
Cứ như trên thì dính chấu với nghĩa “chấu của bugi bị khói, bị muội đóng thành một lớp bẩn khiến dễ gây ra hiện tượng mất lửa” không phải là một lối nói đúng chuẩn, càng khó có thể trở thành thuật ngữ của ngành cơ khí. Chính vì thế, bạn Phạm Toàn mới khẳng định: “Các giảng viên môn ô tô vẫn xài từ “dính chấu” vì khó tìm từ nào ngắn gọn để mô tả hiện tượng mất lửa này của máy 2 thì”.
Bình luận (0)