Lắt léo chữ nghĩa: Ô dù

23/12/2018 07:19 GMT+7

Trong Nam kêu ô ; ngoài Bắc gọi dù .

Đây là một thứ đồ vật cầm tay dùng để che mưa, che nắng hoặc làm dáng, có cán, thường dài (cao) từ 60 - 80 cm, dùng làm trụ chịu một cái sườn (khung) gồm nhiều nan để đỡ mái dù hình nấm, làm bằng vải hoặc giấy dầu, trơn màu hoặc có hoa văn, có thể xòe ra để che hoặc cụp lại để cầm cho gọn.
Trở lại với thứ cũng gọi là ô, xin nói rằng ô Bắc đã đi chung với Nam để tạo nên danh ngữ đẳng lập ô dù, một cấu trúc mới xuất hiện trong vài thập niên gần đây để chỉ những tay cấp trên có quyền thế bao che cho cấp dưới lộng quyền làm bậy, làm không đúng quy trình.
Về xuất xứ thì ô là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng một chữ Hán mà bên trái là bộ cân [巾] và bên phải là thanh phù ô [烏], có âm Hán Việt hiện hành là , có nghĩa là khăn đội đầu. Từ “khăn đội đầu” sang “đồ dùng để che nắng che mưa” là chuyện bình thường trong sự chuyển biến ngữ nghĩa từ nguyên từ (etymon) sang từ phái sinh (derivative - theo nghĩa rộng nhất).
Về nghĩa thì như thế còn về âm thì ta lại có thêm ô trong cửa ô, ô Cầu Dền, ô Đống Mác..., cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [塢,隖] mà âm Hán Việt hiện hành là , có nghĩa là hào lũy. Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur giảng là “retranchement”, còn Mathews’ Chinese-English Dictionary thì giảng là “an entrenchement”. Thì cũng là cùng một nghĩa.
Còn dù là âm xưa của chữ du [油] du chỉ tản [油紙傘], có nghĩa là ô (làm bằng) giấy (có phết) dầu. Đây là một loại ô thông dụng (chứ không phải hiếm thấy) ở Trung Quốc.
Từ chỗ là một sản phẩm của Trung Quốc, nó đã được truyền bá sang một số nước trong khu vực: Nhật Bản, Triều Tiên, Lào, Thái Lan... Người Khách Gia di cư sang Đài Loan cũng đem theo loại hình ô giấy này.
Ngoài việc dùng để che mưa che nắng, theo truyền thống xưa ở Trung Quốc, đây còn là một vật dụng không thể thiếu trong hôn lễ. Vì vậy tại quê hương của nó thì ô giấy dầu, tức du chỉ tản [油紙傘] là một vật dụng quen thuộc, phổ biến.
Du chỉ tản [油紙傘] cũng nói tắt thành du tản [油傘]. Khi danh ngữ này đi vào VN thì nó dần dần được rút gọn thành , để chỉ thứ ô làm bằng giấy dầu của Tàu, rồi dần dần mới mở rộng nghĩa mà chỉ các loại ô nói chung.
Sự rút ngắn này là một hiện tượng bình thường. Từ khô trong khô bò, khô mực, khô nai, khô sặc, khô tra... là hình thức rút ngắn của các danh ngữ thịt khô, cá khô, mà hình thức gốc nay đã ít dùng. Nhưng ta vẫn có thể nghe/thấy nói/viết, chẳng hạn: Khô bòthịt bò khô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.