Lắt léo chữ nghĩa: Song loan hay song lang?

02/09/2018 08:13 GMT+7

Bộ phim Song lang liên quan đến cải lương đang chiếu tại các rạp đã dẫn đến cuộc tranh luận 'song lang hay song loan?'.

Bỏ qua yếu tố ngụ ý về câu chuyện của hai người đàn ông trong phim thì xin trả lời ngay: song loan.
Từ điển tiếng Việt của Vietlex, do Hoàng Phê chủ biên, chấp nhận hình thức song loan và giảng là “mõ nhỏ làm bằng gỗ cứng có đính cần gỗ, thường dùng để điểm nhịp trong các dàn nhạc tài tử”.
Nhưng song loan cũng là một cách đọc trẹo trọ từ “sanh loan”, hình thức gốc còn được lưu giữ trong ca Huế: “Đi liền với ca Huế là dàn nhạc với bộ ngũ tuyệt gồm tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam, xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền [...]” (Tiêu Dao, Ca Huế trên sông và nỗi buồn sênh phách - cand.com.vn, 15.3.2018).
Cứ như trên thì sanh, cái âm/từ gốc chính tông - ngày nay phát âm thành sênh trong sênh phách - vẫn còn sống bền bỉ. Sanh là một từ Hán Việt, tên của một loại nhạc cụ mà chữ Hán là [笙] và là một chữ thuộc vận bộ canh [庚], đồng âm với chữ sanh [生] (chữ này nay lại đọc thành sinh). Trong tiếng Hán và văn hóa Hán thì sanh [笙] là một nhạc cụ thuộc bộ hơi. Đó là một loại khèn có lưỡi gà tự do, bao gồm nhiều ống tre có kích cỡ khác nhau cài trong một khoang kim loại có những lỗ bấm. Nhưng khi đi vào tiếng Việt thì sanh lại trở thành tên một loại nhạc cụ thuộc bộ gõ. Điều này không có gì lạ trong lĩnh vực từ nguyên học. Dương cầm trong tiếng Việt hiển nhiên là một danh ngữ gốc Hán, chữ Hán là [揚琴] hoặc [洋琴], mà ta dùng để chỉ cây piano nhưng trong chính tiếng Hán thì dương cầm lại là thứ nhạc cụ mà nhiều ngôn ngữ châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha) đều phiên âm theo tiếng Bắc Kinh là yangqin, không có liên quan gì đến cây piano, tức dương cầm trong tiếng Việt cả.
Vậy sanh là gì trong tiếng Việt? Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là: “Đồ cổ nhạc; chính là hai miếng cây vắn vắn để mà gõ với nhau”. Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức giảng: “Nhạc-khí gồm hai thanh gỗ hay tre dùng gõ nhịp”. Dictionnaire Annamite-Français của J.F.M. Génibrel dịch cặp sanh là “paire de castagnettes”. Nói một cách khái quát nhất thì castagnettes (tiếng Anh: castanets) cũng là một thứ sanh, xuất xứ từ tiếng Tây Ban Nha.
Sanh là như thế nhưng loan là gì và từ đâu mà ra? Thì cũng từ tiếng Hán mà thôi. Sanh loan chẳng qua là hình thức “diễn Nôm” của hai chữ Hán loan sanh [鸞笙], âm Bắc Kinh là luán shēng , được giảng là sanh đích mỹ xưng [笙的美稱], tức là “tên gọi văn vẻ của cái sanh”.
Cứ như trên thì sanh loan chẳng qua vốn cũng chỉ là sanh, tức “hai miếng cây vắn vắn để gõ với nhau” mà thôi. Nhưng dần dần, vì không biết rõ mỗi thành tố của nó có nghĩa là gì nên người ta ngỡ rằng loan là tên của từng “miếng” trong “hai miếng cây vắn vắn” rồi vì đó là “hai miếng” nên người ta lại nói sanh thành song… cho có đôi (có thể còn do ảnh hưởng của song loan, là cái kiệu do hai người khiêng). Thế là ta có song loan (nhạc cụ). Chưa hết. Một số người, nhất là trong Nam trước kia, khoái bỏ âm đệm /w/ nên loan biến thành lan và ta lại có thêm song lan. Rồi, để chấm hết, một sự siêu chỉnh (hypercorrection) đã biến song lan thành song lang. Đây là hình thức “vong bản” nhất đang cạnh tranh với song loan.
Trở lên, chúng tôi chỉ phân tích về chữ nghĩa. Còn cái “mõ nhỏ” của từ điển Vietlex ra đời từ lúc nào, từ đâu và tại sao nó lại được gọi là song loan thì chúng tôi phải nhường lời cho các nhà nghiên cứu về lịch sử của nhạc cụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.