Lắt léo chữ nghĩa - Từ bình bồng đến bềnh bồng

19/04/2020 07:59 GMT+7

.

Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994) đã ghi nhận hai tiếng bồng bềnh và giảng là “ở trạng thái trôi nổi, khi lên khi xuống nhẹ nhàng trên mặt nước (nghĩa 1); “trông như những cục bông xốp nhẹ, có thể thổi bay lên” (nghĩa 2).
Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng là “từ gợi tả dáng chuyển động lên xuống nhẹ nhàng theo làn sóng, làn gió”. Cả hai quyển từ điển trên đều có ghi nhận bềnh bồng và giảng là “như bồng bềnh”. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) thì lại không ghi nhận bồng bềnh, mà chỉ có: “bềnh-bồng (bình-bồng). Trôi tới trôi lui và bị nhồi lên xuống [...] Lênh - đênh, không nơi nương tựa”.
Đại thể là như thế và cứ như trên thì tuy hình thức thông dụng là bồng bềnh, nhưng chính bềnh bồng mới là hình thức gốc. Bài Cánh bèo của Tản Đà có câu: “Bềnh bồng mặt nước chân mây/Đêm đêm sương tuyết, ngày ngày nắng mưa.” Đặc biệt là Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức có ghi nhận riêng từ bềnh mà giảng là “nổi trên mặt nước”. Vậy nghĩa của bềnh bồng/bồng bềnh trong những ngữ cảnh trên đây do đâu mà ra? Thưa rằng nó xuất phát từ nghĩa của hai chữ [萍蓬] trong tiếng Hán, mà âm Hán Việt hiện hành là bình bồng. Ở đây ta có hai cấu trúc bình bồng [萍蓬] vừa đồng âm vừa đồng tự dạng với nhau. Cấu trúc thứ nhất là tên của một loài thực vật có danh pháp khoa học là Nuphar japonica, thường thấy ở Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Vì thế nên Tàu gọi nó là Nhật Bản bình bồng thảo [日本萍蓬草]. Còn hai tiếng bình bồng mà chúng tôi đang nói đến thì lại là hình thức nói tắt (rút gọn) từ thành ngữ bình phiêu bồng chuyển [萍漂蓬轉], mà Hán Đại thành ngữ đại từ điển (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1996) giảng là “như bèo nổi trôi theo dòng nước, như cỏ bồng bay theo làn gió, chỉ cuộc sống trôi nổi, bất định”. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức cũng có ghi nhận bình bồng [萍蓬] và giảng là “cánh bèo và cỏ bồng, trôi lênh - đênh trên mặt nước, dùng để ví người lưu - lạc”. Hai chữ đầu của câu 2.937 trong Truyện Kiều cũng được hầu hết các bản phiên âm quốc ngữ đọc là bình bồng (Bình bồng còn chút/xót/kẻ xa xôi), chứng tỏ hai tiếng này (với âm bình) từng thông dụng trong tiếng Việt, rồi về sau mới chuyển thành bềnh bồng theo luật hài âm (euphony) của phương ngữ miền Bắc. Phương ngữ này đã chọn những cặp đôi hoàn hảo theo các nguyên tắc: nguyên âm hẹp cặp bồ với nguyên âm hẹp, nguyên âm hơi hẹp cặp bồ với nguyên âm hơi hẹp và nguyên âm hơi rộng cặp bồ với nguyên âm hơi rộng.
I - Ê - E
U - Ô - O
Trong hai dãy nguyên âm trên đây, dãy trên là những nguyên âm hàng trước I, Ê, E (không tròn môi); còn dãy dưới là những nguyên âm hàng sau tròn môi U, Ô, O. Trong hai dãy đó thì I, U là những nguyên âm hẹp; Ê, Ô là những nguyên âm hơi hẹp; còn E, O là những nguyên âm hơi rộng. Theo nguyên tắc đã nói, Ê đã cặp bồ với Ô trong bềnh bồng. Phương ngữ miền Bắc đã chuyển bình thành bềnh vì trong dãy I - Ê - E, các nguyên âm có thể chuyển đổi với nhau, đặc biệt như:
- bạnh [病] « bệnh « bịnh
Cứ như trên thì nguyên từ của bềnh bồng là bình bồng [萍蓬] và đây là một cấu trúc đẳng lập gồm hai từ có nghĩa như đã phân tích ở trên.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.