Lễ rước và an vị tượng dự kiến kéo dài tới 20.12, vượt qua gần 2.000 km để đến thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang). Sự kiện diễn ra dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tượng thể hiện hình ảnh đức vua Trần Nhân Tông cởi bỏ hoàng bào ngồi bên suối để quy Phật, do họa sĩ Nguyễn Đăng Vông sáng tạo, cao 2,2 m, bằng gốm đỏ Luy Lâu và là tượng Phật bằng gốm đỏ Luy Lâu lớn nhất từ trước đến nay.
Theo ban tổ chức, ngày 14.12, phật tử sẽ được chiêm bái pho tượng này trong Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Việt Nam Quốc tự (Q.10, TP.HCM). Ngày 20.12, tượng sẽ được an vị theo nghi thức Phật giáo tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang). Cùng ngày, tại thiền viện trên sẽ có lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian Thiền sư Việt.
Theo thượng tọa Thích Thanh Tịnh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, đức vua Trần Nhân Tông được biết đến như một vị hoàng đế anh minh, 2 lần chỉ đạo quân dân Việt đánh thắng quân Nguyên. Ông cũng là nhà văn hóa xuất chúng, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao. Ông để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Bình luận (0)