Mở lại ký ức liệt sĩ làng Lai Xá

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/07/2019 06:23 GMT+7

Những khung cửa với cánh cửa màu đen nằm cạnh nhau trên những tấm pano trưng bày tại triển lãm Ký ức về liệt sĩ làng Lai. Và khi khung cửa đó mở ra, công chúng nhìn thấy những tấm chân dung liệt sĩ cùng câu chuyện về họ, về gia đình họ.

 

... Và rồi anh đi mãi

Chiếc khung cửa trên tấm pano tại triển lãm Ký ức về liệt sĩ làng Lai tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mở ra. Bức ảnh của liệt sĩ Phạm Văn Thịnh (1958 - 1978) đặt chính giữa. Hai bên cửa là câu chuyện về ông. “Anh Thịnh đi bộ đội, khi đó tôi khoảng 4, 5 tuổi gì đó... Trước khi đi, anh có nói với cả nhà là bố mẹ với các anh em ở nhà, con đi con sẽ trở về. Cả nhà chỉ biết vẫy tay tiễn anh rồi khóc, và rồi anh đi mãi”, ông Phạm Đào, em trai liệt sĩ, kể.
Nhiều câu chuyện nho nhỏ như thế về các liệt sĩ đã được kể lại trong cuộc trưng bày kéo dài từ ngày 25.7 đến hết tháng 7 như một hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay. Người dân Lai Xá (H.Hoài Đức, Hà Nội) coi đây như lễ tưởng nhớ những thanh niên trai tráng của làng đã ra đi để bảo vệ Tổ quốc rồi không trở về nữa. Họ có thể như liệt sĩ Nguyễn Tiến Sinh (1928 - 1949), hy sinh ngay trên đất làng. Nhưng có người đã hy sinh ở những nơi rất xa, trong mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, biên giới phía bắc hay tây nam. Những câu chuyện về họ được kể bằng ảnh chân dung, bằng những tấm ảnh họ chụp chung cùng bạn bè, có khi ngay trước cửa tiệm ảnh. Làng Lai Xá xưa vốn là làng nghề nhiếp ảnh, và những hiệu ảnh như thế không phải hiếm.
Mở lại ký ức liệt sĩ làng Lai Xá1

Câu chuyện “phá rào” đưa hài cốt về để mẹ già được gặp con

Triển lãm cũng kể những câu chuyện trở về của liệt sĩ. Có người mãi không tìm được hài cốt. Có người về trong khó khăn, sự thông cảm làm trái quy định. Liệt sĩ Lê Văn Phiến (1944 - 1975) hy sinh ở chiến trường Buôn Ma Thuột. Ông Lê Ngọc Bang, em trai liệt sĩ kể: “Năm 1996 có người báo tin mộ anh Phiến đang ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk. Theo tâm nguyện của mẹ, chúng tôi lặn lội vào xin đưa hài cốt anh về, nhưng đơn vị không cho vì hồi đó chưa có chính sách. Gia đình phải năn nỉ xin phép quản trang, nói về hoàn cảnh gia đình và mong muốn của mẹ già gần 80 tuổi mong được gặp con lần cuối. Rồi thì quản trang đã đồng ý. 12 giờ đêm, gia đình mới được lén vào cạy nắp mộ, đặt hài cốt vào ba lô và mang về ngay trong đêm”.
Những câu chuyện về họ được tái hiện qua phỏng vấn của một nhóm sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội rồi đưa lên khung hình trong triển lãm. Đó là những hình dung mà người thân chia sẻ. Triển lãm vì thế, chính là phác thảo các liệt sĩ qua ký ức của người thân. “Để làm triển lãm, phải đi hỏi, đi xin tài liệu của gia đình và những người gần họ như anh em. Họ đều cũng có tuổi rồi. Có người bố hy sinh khi còn nhỏ, giờ đã ngoài 60 tuổi. Thời gian cũng xóa mờ ký ức. Họ không khóc òa lên khi kể chuyện, nhưng ai cũng ngậm ngùi”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - nơi tổ chức trưng bày, nói.
Mở lại ký ức liệt sĩ làng Lai Xá2

Những câu chuyện liệt sĩ được tái hiện qua ký ức người thân

Ký ức của làng

Ở Lai Xá, có thể tìm thấy những “độc chiêu” về chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh, tô màu ảnh từ rất xưa. Đó là những tài khéo của người dân làng nhiếp ảnh, trải dài suốt thời kỳ máy phim độc tôn. Nhưng trong triển lãm này, những bức ảnh đều úa vàng, không dùng tới kỹ thuật chỉnh sửa. “PGS-TS Nguyễn Văn Huy hướng dẫn chúng tôi làm triển lãm. Và theo phương pháp của trưng bày bảo tàng thì không can thiệp để thay đổi. Chúng tôi vẫn giữ ảnh và hiện vật như thế”, ông Thắng chia sẻ. Ông Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng chính là một người dân của làng.
Mở lại ký ức liệt sĩ làng Lai Xá3

Trang lưu bút đã úa vàng

Ban tổ chức cho biết, lần đầu tiên, một triển lãm về liệt sĩ không kể nhiều về chiến công của người đã mất mà kể về sự day dứt của người còn sống khi ký ức về người thân ngày một nhạt nhòa theo năm tháng. Gần 20 liệt sĩ Lai Xá trong triển lãm này là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người trong số họ còn chưa lập gia đình. Họ ra đi khi những đứa em còn nhỏ dại. “Mất mát và đau đớn ập về chỉ sau vài tháng hay một năm họ ra chiến trường khiến gia đình họ không dám tin đó là sự thật. Người ta giấu giếm hay hủy đi các kỷ vật, các bức ảnh để trốn tránh sự đau thương, mất mát quá lớn”, ông Nguyễn Văn Huy cho biết.
Điều khó nhất khi thực hiện triển lãm chính là thời gian trôi đi, bố mẹ các liệt sĩ lần lượt qua đời, đàn em lớn lên nhớ về các anh trong một ký ức mờ nhạt. Những tấm ảnh ngày một hoen ố và đa phần cũng bị thất lạc. Mỗi gia đình lại có hoàn cảnh riêng, người nhớ nhiều, người nhớ ít. “Làng có 50 liệt sĩ. Nhưng khi chúng tôi tìm kiếm thông tin thì triển lãm hiện chỉ có 20 người”, ông Thắng chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, thông qua triển lãm này, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn đưa đến một thông điệp lớn. Đó là cộng đồng hãy tiếp tục cùng nhau ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian, sưu tầm, lưu giữ thật tốt những tấm ảnh quý về các liệt sĩ nói riêng và về gia đình nói chung. Ngoài ra, nếu loại triển lãm ký ức như thế này được ứng dụng thực hiện ở các làng quê khác thì chắc chắn hoạt động của nhà văn hóa thôn xã sẽ hữu ích hơn chứ không buồn tẻ như bây giờ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.