Một cơ hội chưa từng có trong lịch sử nghiên cứu khảo cổ học

20/04/2021 06:40 GMT+7

Liên quan các kết quả nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long, Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn PGS-TS Tống Trung Tín (ảnh) - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Sau khi nghe PGS-TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành) trình bày về nghiên cứu phục dựng mặt bằng thời Lý tại khu vực A, B, C, D, E của Hoàng thành Thăng Long (HTTL) tại 18 Hoàng Diệu, ông thấy thế nào?
Tôi cũng như mọi người thôi, đều chung cảm giác rất phấn khởi. Những thành tựu được trình bày về phục dựng mặt bằng cung điện thời Lý là kết quả của lao động miệt mài trong 10 năm.
Khảo cổ học có việc khó là đã thấy di tích rồi, nhưng vẫn chưa thể hiểu được hết. Phải có một hệ thống công việc đi kèm theo nó thì mới giải mã được. Nghiên cứu hiện trường, sơ sảy là mất di tích, di vật, nên phải rất kỳ công. Nhưng sau đó còn phải kỳ công nghiên cứu trong phòng, nghiên cứu liên ngành mới có thể dựng lại được hình ảnh di tích, gọi tên nó. Tất nhiên, tất cả mới ở bước đầu, Viện Nghiên cứu kinh thành vẫn còn phải nghiên cứu tiếp.
Chính vì thế, vẽ được hình ảnh cung điện thế này là quý vô cùng. Nó hội tụ năng lực nghiên cứu và biến nghiên cứu thành hình ảnh sinh động. Tư liệu khảo cổ học là tư liệu câm, thật nhưng khó diễn giải, nên diễn giải thế này thì ta hiểu phần nào, cho thấy phần nào hình ảnh biết nói về HTTL.
PGS-TS Bùi Minh Trí cho biết đây là một nghiên cứu không thuộc đề tài nhà nước nào mà anh em trong Viện Nghiên cứu kinh thành cùng nhau làm. Nhưng như thế sự phản biện với đề tài có kém đi không? Ông đánh giá thế nào về điều này?
Thường thì một nghiên cứu phải có dự án, đề tài. Nhưng ở đây Viện Nghiên cứu kinh thành đã cùng các bộ phận nghiên cứu tận dụng điều kiện hiếm có của mình để nghiên cứu khoa học. HTTL cho một cơ hội chưa từng có trong lịch sử nghiên cứu khảo cổ học.
Những nghiên cứu về mặt bằng thời Lý hôm nay đáng ghi nhận trên tinh thần tự giác, tự nguyện, tự trang trải. Kinh phí cũng khó khăn lắm chứ. Tất cả đang chỉ là bước đầu, các anh em vẫn đang tiếp tục. Nhưng phải đi đã, chứ cứ chờ tiền thì bao giờ đi bước đầu tiên. Anh em chúng tôi trong nghề khảo cổ cũng sẽ phản biện chứ.
Xin ông cho biết đánh giá về hệ thống cung điện thời Lý trong hệ thống cung điện các thời kỳ khác nhau ở HTTL?
Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, hầu như không có thời kỳ nào vượt được thời Lý cả. Về độ tinh mỹ, bố cục, hình khối, đường nét và độ tỉ mỉ, chau chuốt, cái gì cũng tinh mỹ và có niêm có luật. Còn thời kỳ tiếp theo là những thời kỳ nối tiếp và có chuyển đổi. Thời Trần hoàn toàn tiếp thu thời Lý, nhưng biến đổi ở chỗ đơn giản hơn, có chiều hướng Việt hóa tiếp thêm một tí nữa. Ví dụ người ta không thích dùng ngói âm dương từ thời Lý nữa, sang Trần chủ yếu ngói sen. Ngói sen là sáng tạo của thời Trần. Thời Lê Sơ trở lại ngói âm dương nhưng lại có cái riêng, dùng rất nhiều loại thanh lưu ly, hoàng lưu ly…
Theo ông, còn điều gì cần lưu ý trong nghiên cứu phục dựng này của PGS-TS Bùi Minh Trí?
Việc nghiên cứu để tái hiện kỹ hơn bộ khung công trình, dựng lại hệ mộng của các công trình là câu chuyện rất khó. Rồi cả chuyện có còn những hình thức mái khác ngoài đấu củng không? Đình làng, chùa cho đến kiến trúc cung đình thời Nguyễn giờ là một hệ vì kèo hoàn toàn Việt Nam, khác hoàn toàn Trung Quốc. Thế thì trong thời Lý, thời Trần chẳng hạn có cái đó không? Kiến trúc Huế hoàn toàn Việt Nam đấy chứ, nó có dùng đấu củng đâu. Chỉ còn lưu lại đấu củng một tí của thế kỷ 17 ở gác chuông chùa Keo (Thái Bình), sau đó thế kỷ 18 có một ít ở điện thánh chùa Bối Khê (Hà Nội). Còn lại toàn là kẻ đấy chứ, kẻ chuyền. Nên theo tôi vẫn cần đặt vấn đề nghiên cứu tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.